Một đề án hay về phòng chống tham nhũng

Cập nhật: 31-03-2017 | 08:04:02

Để không phải “lăn tăn” khi xử lý trách nhiệm cán bộ, tỉnh Bình Phước vừa ban hành đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Theo nội dung đề án vừa được ban hành, thời gian tới Bình Phước sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có kỷ cương, liêm chính… Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân…

 Mục tiêu của đề án mà tỉnh Bình Phước ban hành xác định công tác phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; cần có sự tham gia, giám sát của quần chúng nhân dân; phải được các cơ quan, đơn vị, sở ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Bên cạnh đó, đề án còn đề cập đến vấn đề tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng bằng việc nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên. Đề án cũng yêu cầu cán bộ công chức trong quá trình thi hành công vụ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ thực thi công vụ làm không tốt trách nhiệm sẽ bị xử lý, điều chuyển công tác khác.

Phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Phòng chống tham nhũng tốt sẽ góp phần làm cho bộ máy chính quyền trong sạch, từ đó góp phần củng cố niềm tin của dân với Đảng. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của từng địa phương mà mỗi nơi đều có cách làm riêng. Trước đây, Lâm Đồng và Yên Bái từng “tuyên chiến” với tham nhũng khi công bố sẽ mua thông tin tố giác tham nhũng và những tài liệu, chứng cứ có giá trị liên quan đến phòng chống tham nhũng với mức giá lên đến 10 triệu đồng/thông tin. Cách làm của Lâm Đồng và Yên Bái tuy hay, nhưng chỉ hướng đến giải quyết hậu quả mà chưa xem trọng việc ngăn ngừa. Một khi có thông tin tố giác đúng, tức là có tham nhũng. Có tham nhũng thì phải xử lý, dẫn đến mất cán bộ, giảm sút niềm tin của dân và sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để kiện toàn, củng cố lại cơ quan, đơn vị có cán bộ tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng theo cách của Bình Phước là lấy ngăn ngừa làm trọng. Đặc biệt, đề án này tỉnh Bình Phước đã cụ thể hóa được nội dung của tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Cái hay của đề án này là có thể giúp Bình Phước vừa phòng ngừa đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; vừa góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có kỷ cương, liêm chính... Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân, từng bước tạo sự chuyển biến để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

H.NGÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên