Một đời tần tảo, hy sinh

Cập nhật: 13-09-2014 | 09:16:16

Vừa tảo tần nuôi đàn con nhỏ, vừa nuôi giấu bộ đội, rồi gánh gạo nuôi quân... Nói sao hết những nỗi gian truân vất vả mà mẹ đã chịu đựng! Cả đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng. Cả đời mẹ đã hy sinh thầm lặng cho đàn con thân yêu. Mẹ đã sống trọn tình trọn nghĩa với gia đình, với non sông đất nước…

Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tư, SN 1927, hiện ở khu phố 6, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Mẹ Tư sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên mẹ lập gia đình cũng trong hoàn cảnh nghèo khó, rồi những người con của mẹ lần lượt ra đời (9 người con) giữa lúc gia đình khó khăn và chiến tranh loạn lạc. Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, người con gái đầu của mẹ là chị Lê Thị Châu (SN 1947) đã sớm giác ngộ cách mạng. Mới 14 tuổi chị Châu đã tham gia làm giao liên xã. Chị Châu là một giao liên dũng cảm mưu trí, nhưng trong một lần đi công tác, chị bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh khi mới 17 tuổi tại mật khu Hố Trầu - ngay trên mảnh đất quê hương nơi mà chị đã sinh ra và lớn lên.

Chị Châu hy sinh, mẹ giấu nỗi đau vào lòng… Rồi đến lượt người con trai thứ ba của mẹ là anh Lê Văn Một (SN 1949) cũng lên đường tham gia cách mạng. Trong một lần bộ đội về làng tổ chức mít-tinh, biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền động viên thanh niên tham gia kháng chiến, anh Một đã giác ngộ và thoát ly gia đình tham gia bộ đội khi mới 13 tuổi. Anh Một là một chiến sĩ gan dạ, đã phấn đấu không ngừng và được giữ chức Trung đội trưởng (thuộc Trung đoàn Gia Định). Trong một trận càn của địch (tháng 9-1972), anh Một cùng những người đồng đội của mình đã bị sụp hầm và hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Lại một lần nữa mẹ mất thêm một người con!

Mất hai người con, lòng mẹ đau nhói nhưng mẹ cảm thấy rất tự hào vì con của mình đã hy sinh vì quê hương, vì đất nước, càng làm động lực để mẹ tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Nhà mẹ là cơ sở mật mà mỗi lần các đồng chí cán bộ đi công tác ghé qua đều được mẹ lo chu tất từ miếng ăn cho tới sự an toàn. Các anh được mẹ nuôi giấu dưới căn hầm bí mật sau nhà. Mẹ nuôi giấu các anh ngay trước mặt quân thù mà chúng không hề hay biết. Ngày ngày mẹ cùng chồng làm việc vất vả ở lò gốm, chiều về mẹ lại tất bật cơm nước cho các anh mỗi khi các anh ghé qua nhà. Những ngày lò gốm được nghỉ mẹ lại quần quật ngoài ruộng lúa ở xã Trung An, huyện Củ Chi để kiếm hạt gạo nuôi đàn con đông đúc và nuôi bộ đội. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, bộ đội mỗi lần ghé qua nhà mà cứ cách tuần mẹ lại gánh gạo đi ban đêm hơn 10 cây số để tiếp tế cho bộ đội ở xã Phú An (huyện Bến Cát). Rồi lâu lâu mẹ lại gói bánh tét, bánh ít gánh đi tiếp tế mỗi lần bộ đội làm lễ mít-tinh, văn nghệ. Mẹ tâm sự, mẹ chỉ nghĩ đơn giản sau này nước nhà được độc lập, người dân được yên ổn làm ăn là còn gì quý bằng nên mẹ không hề quản ngại khó khăn gian khổ.

Chia tay mẹ chúng tôi nhớ hoài câu nói của mẹ là khi nghe tin các con của mình hy sinh mẹ buồn nhưng ráng chịu đựng! Mẹ tự hào vì con của mẹ hy sinh vì quê hương đất nước. Bây giờ mẹ đã lưng còng, gối mỏi nhưng cả cuộc đời mẹ đã sống trọn tình trọn nghĩa với gia đình, với quê hương đất nước.

 

 ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên