Một đời tận tụy...

Cập nhật: 26-03-2019 | 08:08:31

“Tuổi 17, cái tuổi con gái mộng mơ, cần được yêu thương che chở, nhưng tôi lại chịu những trận đòn tra khảo của bọn giặc, chịu cảnh giam cầm. Tôi nghĩ, không phải riêng tôi, tất cả thế hệ chúng tôi khi đó đều làm như vậy, vì “độc lập, thống nhất đất nước”. Dù như hoa dại, một mình c hống chọi giữa đất trời giông tố, nhưng trong tôi rất đỗi tự hào vì mình đang làm việc có ích. Vì lúc này, tôi nghĩ, dù có hy sinh thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc...”. Đây chính là những dòng hồi ký của bác sĩ Nguyễn Thị Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, người đã dành cả cuộc đời cho lý tưởng sống cao đẹp, tận tụy hết mình vì công việc chung, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Hà Sinh… Hà Sinh…”


Bác sĩ Hà Sinh trong những năm tham gia kháng chiến

Nhiều lần đặt bút viết về bác sĩ Hà Sinh nhưng tôi chùng lại, vì không biết bắt đầu từ đâu. Từ chân dung một con người mà trong mưa bom lửa đạn vẫn coi tính mạng thương binh là quan trọng nhất; cả một đời tận tâm với bệnh nhân hay một con người về hưu rồi vẫn tất tả, chạy đôn chạy đáo tìm người đồng hành để chung ta làm từ thiện giúp đỡ người nghèo. ..

Với bác sĩ Hà Sinh thì những năm tháng ác liệt của cuộc chiến là những năm tháng mà bản thân bà mãi mãi không bao giờ quên và không được phép quên. Đó là hình ảnh những đồng chí, đồng đội đã sát cánh cùng bà trong những ngày khốn khó nhất. Hình ảnh những thương binh được chăm sóc hồi phục để trở về với đơn vị. Và, xúc động hơn tất cả chính là những nụ cười mãn nguyện của những thương binh dù đau đớn tột cùng, trước khi nhắm mắt lìa đời vẫn không quên gọi hai tiếng: “Hà Sinh… Hà Sinh…”.

Câu chuyện giữa bà với chúng tôi, bắt đầu từ những năm tháng ác liệt của kháng chiến chống Mỹ. Năm 1959, khi Luật 10/59 ra đời, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp nơi để hành quyết những người cộng sản thì cô bé Hà Sinh, khi ấy mới tròn 13 tuổi đã tham gia làm giao liên mật ở xã Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một hiện nay). Đằng sau cái mác học sinh trung học, Hà Sinh đi đưa tin tức, nắm tình hình hoạt động của giặc, rải truyền đơn, đào đường, đắp mô…

3 năm sau, nhiệt huyết cách mạng sôi sùng sục, Hà Sinh bước vào tuổi trăng tròn, chính thức thoát ly gia đình theo cách mạng. Thấy Hà Sinh có nhiều “chữ nghĩa”, địa phương cử đi học lớp cứu thương ở dân y huyện Châu Thành một tháng rồi trở về phục vụ xã nhà. Về địa phương công tác chưa được bao lâu, do bị chỉ điểm, bà đã bị địch bắt đưa về Tiểu khu Bình Dương. Bà còn nhớ rõ, trên đường đi, một tên lính hỏi bà: “...Mày là y tá Việt Cộng, ăn gì mà mập và trắng trẻo vậy hả?”. Câu hỏi vừa dứt, bà trả lời thản nhiên không chút sợ hãi: “Nhờ ăn cơm nhân dân mới được vậy…”. Chưa nói hết câu, bà bị một cái tát như trời giáng vào mặt. ..

Như bao cuộc tra khảo khác, khi bị địch bắt, bà nếm trải biết bao trận đòn roi, điện giật, treo lên tường cho đi tàu bay… “Khảo tra như lửa thử vàng cách mạng, chốn trui rèn ý chí đấu tranh”, bà chỉ trả lời đúng một câu: “Mấy ông có đánh chết tôi, tôi cũng không biết”. Chẳng khai thác được gì từ bà, sau 18 tháng giam cầm, địch buộc phải thả bà về…

Nhiều năm qua, bác sĩ Hà Sinh (hàng đầu, bìa trái) luôn là một nhà hảo tâm trong chương trình “Tết yêu thương” của phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

Và hoa đã nở...

Dù đã trải qua rất nhiều năm, nhưng bà Hà Sinh vẫn nhớ như in những ngày tháng bị giam cầm ấy. Bác sĩ Hà Sinh nói: “Tuổi 17, cái tuổi con gái mộng mơ, cần được yêu thương che chở, nhưng tôi phải chịu những trận đòn tra khảo của bọn giặc, chịu cảnh giam cầm. Tất cả chỉ vì hai từ “độc lập”. Dù như hoa dại, một mình chống chọi giữa đất trời giông tố; nhưng trong tôi rất đỗi tự hào vì mình đang làm việc có ích. Vì lúc này tôi nghĩ, dù có hy sinh thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc”.

Những năm kháng chiến ác liệt, điều kiện thuốc men, trang thiết bị y tế vô cùng thiếu thốn. Ngoài những lúc sơ cứu phục vụ thương binh, hay không có bệnh nhân từ tuyến trước đưa về, chính tay bà đem những đống bông băng nhầy nhụa, máu mủ, mùi tanh dợn người đi giặt, tiệt trùng để sử dụng lại. Chưa hết, bà còn tranh thủ đi đào củ hà thủ ô, chùm bao… về nấu thuốc cho bệnh nhân uống.

Rừng thiêng nước độc, ngoài bom đạn, biệt kích, những chiến sĩ cách mạng còn chống chọi với thú rừng, rắn độc, vắt… Chưa hết, ai ở rừng, còn thấm với căn bệnh sốt rét, run cầm cập, chết đi sống lại; hai cánh tay, cái mông bị áp xe vì bị tiêm quá nhiều thuốc là chuyện bình thường và với bà cũng không ngoại lệ. Nhưng dù hoàn cảnh nào bà cũng hết lòng chăm lo cho bệnh nhân, lo cho thương binh. Với bác sĩ Hà Sinh luôn xem đau đớn của bệnh nhân như là cơn đau đớn trên chính thân xác mình...

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Sinh còn gắn với biết bao lần “đói cơm, lạt muối”. Và trong cơn hoạn nạn, cái nghĩa, cái tình đồng chí càng được thể hiện rõ. Đó là hình ảnh anh bộ đội giữ kho gạo sẵn sàng nhường gạo mà chưa xin ý kiến cấp trên và có cả những đồng nghiệp bị nước cuốn trôi, bị địch bắt… khi trên đường đi tải gạo... Trong ký ức của bác sĩ Hà Sinh còn là bao lần địch càn quét, bắn phá, buộc bệnh viện phải rời hậu cứ. Bà và nhiều anh, chị em đồng nghiệp khác phải tự xây cất bệnh viện dã chiến, chặt cây, đào hầm trú ẩn, đốn tre làm giường nằm để tiếp nhận bệnh nhân, điều trị cho thương binh ngoài tuyền tuyến gửi về. Có nhiều trận oanh kích tàn khốc, thương binh nằm la liệt, tiếng la, khóc thê thảm của cả bệnh nhân và người nhà. Những lúc ấy, bản thân bác sĩ Hà Sinh và nhiều đồng chí, đồng đội tất bật cứu chữa bệnh nhân, giành giật từng mạng sống mà không nề hà đến cực khổ, hy sinh. Tất cả chỉ mong họ sớm hồi phục để trở lại chiến trường, đoàn tụ với gia đình.

...ngát hương giữa đời thường

Đất nước thanh bình, năm 1976, bác sĩ Hà Sinh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sông Bé. Sau giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn. Quê hương bị tàn phá, làng xóm xác xơ, đời sống người dân đều rất khó khăn, bệnh tật lại hoành hành, đặc biệt là bệnh rốt rét, dịch bệnh, thương vong do bom mìn sót lại sau chiến tranh... Những hậu quả mà chiến tranh để lại cũng chính là thách thức to lớn đặt ra cho ngành y tế phải nhanh chóng khắc phục khó khăn, củng cố mọi mặt, ổn định hoạt động. “Cũng như nhiều ngành khác, sau giải phóng, ngành y tế cũng đối mặt với không ít khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ khám chữa bệnh còn hạn chế, thiếu thốn nhiều lắm. Nhưng, với lương tâm của người thầy thuốc, anh chị em chúng tôi luôn cố gắng khắc phục khó khăn, lấy việc cứu chữa người bệnh để động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”, bác sĩ Hà Sinh chia sẻ.

Năm 1981, bà được đưa đi học bác sĩ ở Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, ra trường bà về lại Bệnh viện Đa khoa Sông Bé công tác. Đến năm 1994, bà giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế cho đến ngày nghĩ hưu.

Sau ngày nghĩ hưu, không muốn an thú điền viên như nhiều người khác, bà lại tất tả chạy ngược chạy xuôi vận động bàn bè, đồng nghiệp cùng chung tay làm từ thiện. Không biết bao nhiêu mái ấm tình thương cho người nghèo, cho đồng đội khó khăn mọc lên; không biết bao nhiêu phần học bổng với sự chung tay góp sức của bà đã đến tay những học sinh nghèo để chắp cánh ước mơ. Và, cũng có biết bao chuyến khám bệnh từ thiện mà bà đồng hành đã đến với bệnh nhân nghèo, để hỗ trợ, tiếp thêm động lực giúp họ vượt qua khó khăn...

Kể sao cho hết, tấm lòng của một bác sĩ luôn lấy câu “Lương y như từ mẫu” của Bác dạy để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, chỉ dạy con cái. Bà Sinh tâm sự: “Cả cuộc đời tôi luôn tâm niệm: Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của sẽ theo ta trọn đời...”.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên