Một gia đình có ba bà mẹ Việt Nam anh hùng

Cập nhật: 05-02-2015 | 17:27:45

Những ngày gần đây, gia đình ông Huỳnh Ngọc Ẩn, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên càng nức lòng khi bà ngoại Đồng Thị Hảo được truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Cùng với lần truy tặng này, gia đình ông Ẩn có đến 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

 Ông Huỳnh Dũng Tiến đang thắp nén nhang tri ân trước bàn thờ tổ tiên của gia đình Ảnh: THIÊN LÝ

 Cống hiến cho Tổ quốc

Ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng như Bạch Đằng, hầu hết các gia đình đều có người hy sinh xương máu cho công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Riêng gia đình ông Ẩn đóng góp cho cách mạng là vô cùng to lớn. Gia đình 3 mẹ Việt Nam anh hùng ấy có đến 6 liệt sĩ (LS), trong đó có 1 LS mà tên ông được sử dụng để đặt tên trường, tên đường là LS Huỳnh Văn Lũy. Trong nỗi mất mát, đau thương tưởng chừng như không thể vượt qua, giờ đây những người con, cháu trong gia đình vô cùng tự hào khi nghĩ đến một Tổ quốc hòa bình, trong đó có đóng góp của ông bà, chú bác.

Thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, ông Ẩn khoe với chúng tôi, đợt này gia đình có thêm mẹ Việt Nam anh hùng là bà ngoại Đồng Thị Hảo (SN 1890). Mẹ Hảo là một trong 398 mẹ được truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 2 năm 2014. Mẹ đã viết tiếp trang sử truyền thống cách mạng của gia đình với 2 người con là LS Nguyễn Văn Thành Nho (SN 1938) và Nguyễn Thanh Sơn (SN 1940). Hồi tưởng về quá khứ, gia đình cho biết ông Nho hy sinh năm 1963, tại Chiến khu Đ khi đang làm nhiệm vụ. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn, ông Sơn cũng đã anh dũng hy sinh khi cùng đơn vị tiến công vào Đài Phát thanh Sài Gòn. Gia đình ra sức tìm kiếm nhưng hài cốt của ông Sơn vẫn còn nằm đâu đó chưa về được với người thân và đồng đội. Hài cốt của ông Nho được đồng đội và gia đình đưa về an táng tại Nghĩa trang LS TX.Tân Uyên.

Sau câu chuyện về bà ngoại, ông Ẩn nhìn lên tấm bằng công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng của bà nội Võ Thị Ngô (SN 1890) rươm rướm nước mắt. “Nội mất nhưng đâu đó tôi vẫn nghe văng vẳng lời nội căn dặn. Dù cuộc sống có khó khăn cũng phải một lòng, một dạ với cách mạng, với Đảng, Nhà nước”, ông Ẩn nói.

Cũng như bao cô gái lớn lên, mong muốn có được người chồng yêu thương, những đứa con ngoan và sống hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng, dưới làn “mưa bom, bão đạn” của địch, mẹ mỉm cười tiễn các con lên đường tham gia cách mạng. Hai người con duy nhất của mẹ là Huỳnh Văn Ngôn (SN 1912) và Huỳnh Văn Lũy (SN 1916) cảm nhận được tấm lòng người cha, người mẹ nên đã quên mình vì Tổ quốc.

Ông Ngôn tham gia cách mạng khi còn là cậu thanh niên mười tám, đôi mươi. Trong trận càn của Pháp năm 1946, ông bị bắn chết. Nỗi đau mất đi đứa con trai đầu chưa nguôi, mẹ nhận hung tin ông Huỳnh Văn Lũy hy sinh trên đường đi công tác ở xã Mỹ Quới, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên).

Nói đến đây, ông Ẩn nghẹn ngào: “Không những bà ngoại, bà nội chịu nhiều đau thương, mẹ tôi - Nguyễn Thị Du (SN 1917) cũng đã mất chồng, con trong kháng chiến. Mẹ đã được nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chồng mẹ, ông Huỳnh Văn Lũy sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên từ nhỏ đã là hạt nhân hoạt động phong trào học sinh địa phương trong tổ chức “Liên đoàn học sinh”. Ông còn là người đứng ra thành lập Chi bộ đầu tiên ở Mỹ Quới. Sau khi lấy vợ, ông vẫn tiếp tục con đường đã chọn. Mẹ một vai gồng gánh nuôi 6 người con trưởng thành.

Tiếp nối truyền thống cách mạng, con trai mẹ đều xin được thoát ly vào rừng. Tiễn chồng, con lên đường, mẹ hy vọng đất nước mau chóng hòa bình để gia đình sum họp. Năm 1956, ngày nhận được giấy báo tử của chồng, mẹ khóc rất nhiều nhưng vẫn động viên các con bước tiếp đoạn đường cha đang đi. Mẹ từng nói rằng: “Ba, các bác, các cậu hy sinh chưa hẳn đã mất, họ đều được ghi danh trên bảng Tổ quốc ghi công, sống mãi mãi với non sông đất nước”.

Trong 3 người con tham gia cách mạng, con mẹ, anh Huỳnh Văn Công đã không may mắn được trở về. Anh mãi mãi “yên nghỉ” dưới lòng đất mẹ trong trận tấn công vào Chi khu quân sự quận Tân Uyên năm 1964. “Tôi còn nhớ như in, khi nhận được giấy báo tử của anh, mẹ đã ngất đi. Ngày hôm sau, mẹ nhanh chóng “đứng vững” bên đàn con thơ. Năm 2011, sức khỏe yếu mẹ qua đời”, ông Ẩn nói.

Mẹ Du cũng thường nhắc nhở các con, với người phụ nữ, không có nỗi đau nào tột cùng bằng nỗi đau mất chồng, mất con, mất đi những người thân yêu nhất. Nhưng bản thân mẹ và hàng vạn người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh phải vượt qua mất mát để tự hào khi người thân của mình hy sinh vì nghĩa lớn, vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tiếp nối truyền thống

Trong thời khắc chờ vinh danh tên mẹ Đồng Thị Hảo tại buổi lễ truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, những người con, người cháu của mẹ rưng rưng nước mắt khi nhớ về hình ảnh người mẹ hiền lành, chịu thương, chịu khó.

Giờ đây, nơi chín suối có lẽ mẹ đang mỉm cười khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, nhớ ơn những người đã hy sinh cho Tổ quốc, thế hệ con cháu dòng họ Huỳnh ở Bạch Đằng đều cố gắng học tập, làm việc tốt, sống có đạo đức. Hiện nay, hầu hết đều có công ăn việc làm ổn định. Riêng gia đình LS Huỳnh Văn Ngôn có 4 người con, cháu đều chọn ngành y để cống hiến, trong đó người cháu Huỳnh Văn Khải là bác sĩ - LS, hy sinh năm 1967. Sau những nỗ lực, các con LS, bác sĩ Huỳnh Văn Khải (cháu LS Huỳnh Văn Ngôn) đã và đang giữ cương vị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; trưởng, phó các khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Gia đình LS Huỳnh Văn Lũy có 6 người con, một người là LS, 5 người còn lại đều đã có cháu, chắt, cuộc sống ổn định. Ông Huỳnh Dũng Tiến, cháu đích tôn của LS Huỳnh Văn Lũy tâm sự, trải qua các cuộc chiến tranh, nỗi đau chia ly, mẹ mất con, vợ mất chồng đều gắn liền với những người thân thiết bà nội, cố nội, cố ngoại của anh. Biến nỗi đau thành niềm tự hào, các thành viên trong gia đình đều tâm niệm, sự hy sinh của ông bà là động lực để con cháu học tập, làm việc tốt giúp cho đời, cho xã hội, cộng đồng. Bản thân anh được đặt tên là bí danh của ông nội Huỳnh Văn Lũy khi hoạt động cách mạng nên cảm thấy vô cùng tự hào.

Không chỉ giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ con cháu, dòng họ Huỳnh tại xã Bạch Đằng còn xây dựng Quỹ học bổng Huỳnh Văn Lũy. Hơn 20 năm nay, hàng ngàn phần quà, suất học bổng đã được trao cho học sinh nghèo hiếu học, học sinh giỏi các trường ở Tân Uyên, như: THPT Huỳnh Văn Nghệ, THCS Huỳnh Văn Lũy, THCS Lê Thị Trung... Các thành viên trong gia đình còn đóng góp, vận động bạn bè hỗ trợ thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn ở xã Bạch Đằng. Ông Tiến cho biết, từ những hoạt động từ thiện xã hội đã tác động tích cực đến các thành viên trong gia đình. Thế hệ trước dạy cho thế hệ sau lòng biết ơn, sự quan tâm đối với những mảnh đời khó khăn hơn mình. Quan tâm để những người khó khăn phát triển vươn lên làm giàu cho quê hương đất nước là niềm vui, là hạnh phúc của những người có quá khứ gắn với chiến tranh.

Chiều dần buông xuống, đi trên con đường liên xã Bạch Đằng về TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi cảm thấy vinh dự khi được nghe kể về trang sử của gia đình ông Ẩn. Giờ đây, có lẽ ở nơi suối vàng các mẹ, LS đang được an ủi phần nào khi sự hy sinh đã hóa thành động lực để thế hệ con cháu họ tiếp tục cống hiến cho đời.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên