Một mô hình hay về gần dân, trọng dân

Cập nhật: 14-07-2015 | 08:46:38

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2015 về “Trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” đã đi được nửa chặng đường. Thực hiện chuyên đề này của cuộc vận động, nhiều cơ quan, ban ngành trong cả nước đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay về gần dân, trọng dân, để từ đó hiểu dân và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Một trong những mô hình được cộng đồng mạng quan tâm bình luận mấy ngày qua là mô hình cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp của Công an TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp là hiện thực hóa ý tưởng cố gắng gần dân của đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng Công an TP.Cao Lãnh. Theo ông Đoàn, sở dĩ ông có ý tưởng xây dựng mô hình này là mong muốn tái hiện hình ảnh thân thiện của người công an trong mắt nhân dân những năm thập niên 80. “Cảnh sát khu vực đến với dân bằng chiếc xe đạp sẽ tạo được sự thân thiện. Giữa người dân và cảnh sát gần như không có bất kỳ khoảng cách nào. Công an vừa đạp xe nắm tình hình, vừa chào hỏi dân để tạo mối thân tình và gắn kết. Có như vậy thì dân mới tin”, ông Đoàn nhấn mạnh. Ngay sau khi mô hình này được báo chí đăng tải, không ít bạn đọc đã quan tâm bình luận. Mặc dù có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung mô hình này đã thu hút được sự chú ý của dư luận.

Trên thực tế, mô hình cảnh sát tuần tra bằng xe đạp là không mới. Ý tưởng của ông Đoàn cũng xuất phát từ hình ảnh người công an những năm thập niên 80. Thời kỳ này, đất nước ta còn nghèo và chưa có nhiều phương tiện đi lại như hiện nay. Công an sau một thời gian dài đi bộ mới được trang bị chiếc xe đạp khi làm nhiệm vụ, còn đa số người dân đều sử dụng phương tiện đi lại công cộng. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao và hình ảnh chiếc xe đạp cũng lui dần vào quá khứ nhường chỗ cho những phương tiện đi lại hiện đại hơn. Xuất phát từ nhu cầu đáp ứng nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát những năm gần đây cũng được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, đúng như nhận định của một bạn đọc là cảnh sát đến với dân bằng xe bốn bánh sang trọng thì sẽ khó tiếp cận dân. Do vậy, thực hiện mô hình cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp sẽ xóa đi khoảng cách, người dân cảm thấy được tôn trọng thì cảnh sát mới dễ dàng tiếp cận để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên thế giới, cảnh sát tuần tra bằng xe đạp cũng không phải là hiếm. Tại một số thành phố lớn của Hà Lan và Pháp, hiện tại vẫn còn nhiều đơn vị cảnh sát tuần tra bằng xe đạp. Các nhân viên cảnh sát này hàng ngày có thể đến công sở bằng xe hơi riêng, nhưng khi làm nhiệm vụ bắt buộc phải sử dụng xe đạp, bởi tính ưu việt của xe đạp là có thể len lõi vào các ngóc ngách của thành phố. Cảnh sát sử dụng phương tiện xe đạp để làm nhiệm vụ có nhiều thời gian hơn để quan sát, nắm tình hình. Điều này cũng đáng được nguy ngẫm vì ở những đất nước có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh như Hà Lan và Pháp, người ta vẫn sử dụng chiếc xe đạp khi làm nhiệm vụ rõ ràng là đã có sự tính toán thiệt hơn.

Mô hình cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp tuy không mới, nhưng với những phân tích nói trên thì rõ ràng đây là một mô hình hay, có thể học tập để nhân rộng.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Công an muốn tốt nhiệm vụ thì cần phải gần dân, hiểu dân thì dân mới tin, mới ủng hộ, có đi xe đạp như vậy thì mới gần dân được, rất ủng hộ mô hình này và nên sớm nhân rộng. Tuy nhiên, công an muốn gần dân thì cũng nên trau dồi thường xuyên về văn hoá ứng xử.
Phan huỳnh (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên