Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Cập nhật: 28-05-2016 | 16:55:17

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 2 luật hiện hành là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 (Luật năm 2004) để áp dụng thống nhất việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi cả nước. Luật gồm 17 chương, 173 điều với nhiều điểm mới quan trọng, cụ thể như:

- Về khái niệm quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2015 đã khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan Nhà nước được ban hành trong thời gian qua, luật đã bổ sung khái niệm “Quy phạm pháp luật” (khoản 1 Điều 3) đồng thời hoàn thiện khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” (Điều 2).

- Về hình thức, thẩm quyền và nội dung văn bản quy phạm pháp luật: So với Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Luật năm 2015 đã giảm được 5 loại văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, luật đã bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Luật năm 2015 đã xác định lại nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ Trung ương đến địa phương.

- Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2015 bổ sung 1 điều về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 7). Ngoài ra, Luật năm 2015 cũng quy định trong trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Luật cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên; ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại luật này.

- Bổ sung quy trình xây dựng chính sách: Luật đã bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo. Quy trình này được áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên