Một tay mẹ gồng gánh, lo toan

Cập nhật: 06-10-2014 | 14:50:32

Chồng và con đi làm cách mạng, mẹ ở nhà cũng nuôi chí lớn của chồng, con đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm giao liên giúp móc ráp các cơ sở mật. Cả đời mẹ cống hiến thầm lặng cho cách mạng. Đó là mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Năm.

Mẹ Năm sinh năm 1917, hiện đang sống ở xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên. Mẹ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác mẹ có một mái ấm gia đình bên chồng với 10 người con. Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Lả (sinh năm 1909) vì không thể nhìn cảnh đất nước chìm trong chiến tranh nên đành bỏ lại gia đình mà thoát ly đi theo cách mạng. Thời gian này ông giữ chức Bí thư xã Tân Hóa, huyện Châu Thành. Năm 1961, đến lượt những người con của mẹ là Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1944), sau đó là Nguyễn Văn Lực và Nguyễn Văn Đức lần lượt thoát ly gia đình theo cách mạng cùng nuôi chí lớn của cha. Người con thứ 6 của mẹ, anh Nguyễn Văn Lực giữ chức Trung đội trưởng Trung đội 62, huyện Châu Thành. Trong một lần đi công tác anh Lực bị địch bắn gãy chân, không đi được anh một mình nằm dầm mưa suốt 7 ngày liền. Do khu vực anh bị thương bom pháo nhiều nên không người dân nào dám đến gần để giúp đỡ mà chỉ khi có mấy đứa trẻ chăn trâu về báo lại thì giao liên mới đến đưa anh về chăm sóc. Nhưng do vết thương lâu ngày bị nhiễm trùng quá nặng nên anh đã mất vào ngày 2-2-1969. Được tin con hy sinh, lòng mẹ đau như cắt nhưng mẹ cũng thầm tự hào vì con mẹ đã ra đi vì độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 1972 khi ngày cách mạng thắng lợi không còn xa thì người con trai thứ 9 của mẹ là anh Nguyễn Văn Đức, đội viên du kích cũng đã hy sinh trong một lần đánh vào ấp chiến lược ở Vĩnh Trường do vấp phải mìn. Mẹ lại một lần nữa giấu nước mắt vào lòng, nỗi đau đến xé lòng chỉ có mình mẹ biết.

Chồng con đi làm cách mạng, ở nhà mẹ một tay gồng gánh, lo toan. Hết tỉa đậu mẹ lại trồng cà dưa, cấy lúa… rồi mua bán đồ hàng bông để nuôi đàn con nhỏ và đào hầm nuôi giấu thương binh, nuôi giấu cán bộ. Khi người con trai thứ hai của mẹ trốn quân dịch trên rừng mẹ phải lặn lội khăn gói đi giở cơm cho con. Nhà mẹ là cơ sở mật, mẹ thường xuyên đi làm giao liên giúp móc ráp cơ sở mật đưa các đồng chí cán bộ về gặp mặt tại nhà mẹ, mỗi lần đi móc ráp cơ sở mẹ phải mang theo một số quần áo để thay đổi nhằm qua mắt bọn lính. Mẹ là một người phụ nữ gan dạ, thông minh. Nhờ sự khôn khéo và gan dạ của mẹ, trong thời gian làm giao liên, nuôi giấu cán bộ, thương binh, mẹ chưa bao giờ bị địch phát hiện. Nhớ có lần, em chồng mẹ là một cán bộ trên huyện về họp ở xã Tân Hóa, do có chỉ điểm nên em chồng mẹ bị lính bắn chết, kéo xác về tỉnh không ai dám nhận vậy mà mẹ một mình lên tỉnh nhận xác, mẹ bị địch bắt điều tra. Không khai thác được gì, mấy hôm sau chúng phải thả mẹ ra về.

Mẹ Nguyễn Thị Năm nay đã 97 tuổi, đời người đã sống gần một thế kỷ, cuộc đời mẹ là một minh chứng sống động cho hình tượng của bà mẹ Việt Nam kiên trung. Suốt cuộc đời mẹ cũng chỉ biết cống hiến, hy sinh thầm lặng cho cách mạng.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên