Những ngày qua, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác thuộc khu vực Nam bộ có mưa, trong đó có nơi mưa gần 100mm (rất to), nhưng theo ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đây chưa phải là dấu hiệu báo mùa mưa bắt đầu.
Ông Nguyễn Minh Giám
- Ông Giám cho rằng mưa những ngày qua chỉ là dạng mưa dông nhiệt. “Nam bộ vừa trải qua một giai đoạn nắng nóng, độ ẩm trong không khí cao, cộng với sự tranh chấp giữa hai yếu tố là không khí lạnh tăng cường từ phía bắc, kích động của áp thấp nóng phía tây...nên gây ra mưa dông tại một số nơi. Dù có những nơi mưa khá to như Cần Đăng (Tây Ninh) 94mm, Tân Châu (An Giang) 82mm, Hà Tiên - Ba Hòn (Kiên Giang) 72-73mm... nhưng đây là dạng mưa cục bộ nên chưa thể coi là Nam bộ đang vào mùa mưa” - ông Giám nói.
* Vậy khi nào Nam bộ mới vào mùa mưa? Mùa mưa năm nay đến sớm hay muộn hơn so với năm 2013, thưa ông?
- Theo dự báo, khoảng tuần cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2014, Nam bộ vào thời kỳ chuyển mùa. Thời điểm này mưa thường xuất hiện ở mức 40-50% trong tổng số hơn 200 trạm quan trắc trên toàn Nam bộ, chứ không phải ở mức 10-12% như những ngày qua. Đến nửa đầu tháng 5, mưa sẽ xuất hiện nhiều ở các tỉnh ven biển phía tây như Kiên Giang, Cà Mau và lan ra phía bắc miền Đông Nam bộ... Đây được coi là thời kỳ chính thức của mùa mưa. Các khu vực ven biển từ các tỉnh Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu có khả năng mưa đến trễ hơn, từ nửa cuối tháng 5. Như vậy, thời kỳ bắt đầu mùa mưa ở Nam bộ muộn hơn khoảng một tuần so với năm 2013. Dự báo tổng lượng mưa năm nay ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là các tháng đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
* Còn “đợt mưa” đang xuất hiện ở Nam bộ khi nào chấm dứt, khi đó tình trạng nắng nóng có quay lại không?
- Theo đánh giá chung, mưa tại Nam bộ đang trên đà giảm. Một hai ngày tới thời tiết Nam bộ sẽ trở lại nắng nóng, oi bức. Nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh miền Đông có thể ở mức 37-390C, khu vực miền Tây 34-360C. Đợt nóng này có thể kéo dài 7-10 ngày trước khi Nam bộ vào thời điểm chuyển mùa.
Theo TTO