Năm 2015: Sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia

Cập nhật: 11-09-2014 | 09:20:06

Đó là thông tin mới nhất mà Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố vào ngày 9-9 vừa qua, về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) từ năm 2015. Theo đó, thí sinh (TS) dự thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

 

T hí sinh dự thi vào trường ĐH Thủ Dầu Một năm 2014 Ảnh: HỒNG THÁI

Năm nay là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI. Và Bộ GD-ĐT đã chọn việc đổi mới thi cử làm khâu đột phá. Theo tính toán của bộ, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia sẽ giảm được áp lực thi cử cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Năm 2015, kỳ thi diễn ra từ ngày 9 đến 12- 6. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian làm bài là 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Ngoài 4 môn thi tối thiểu như đã nêu trên, TS có thể thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ. Theo Quyết định số 3538 của Bộ GD-ĐT, TS đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH-CĐ. TS không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế, trong số những môn tự chọn.

Em Nguyễn Hoàng yến, học sinh lớp 12 trường THPT An Mỹ: Mừng và lo!

Trước thông tin Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia, HS vừa mừng vừa lo. Mừng vì chỉ còn một kỳ thi sẽ giảm được áp lực thi cử cho HS. Thông thường, đề thi tốt nghiệp THPT ra vừa sức HS, những bạn có học lực trung bình cũng dễ dàng vượt qua kỳ thi. Khi tổ chức một kỳ thi quốc gia, mức độ đề thi chắc hẳn sẽ cao hơn. Vì vậy chúng em lo lắng vì chỉ thi 1 lần, nếu chẳng may kết quả thi không tốt thì sẽ mất cả 2 cơ hội tốt nghiệp THPT và vào ĐH.

Thực hiện đổi mới thi cử và nhằm đánh giá mức độ, năng lực học tập của học sinh, năm 2014 đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH được ra theo kiểu vận dụng kiến thức và kiến thức xã hội của TS. Và việc tổ chức một kỳ thi quốc gia ắt hẳn đề thi sẽ ở mức độ cao hơn. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, đề thi đánh giá TS ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, bảo đảm phân hóa trình độ TS nhằm phục vụ tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Việc đổi mới này đã có dự tính trước, sẽ không làm cho giáo viên, học sinh bỡ ngỡ. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015, bộ đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, thi cử, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới của bộ.

Với việc đổi mới thi cử, kỳ thi quốc gia năm 2015 sẽ được tổ chức thi theo cụm. Bộ sẽ giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Sở GD-ĐT sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cũng từ kết quả thi, bộ sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ và kết quả thi của mình, TS đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng.

Việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 sẽ giảm được áp lực thi cử cho học sinh và các em được chọn môn thi phù hợp với trình độ, năng lực học tập của mình. Việc bộ sớm công bố phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia từ đầu năm học mới, sẽ giúp cho thầy trò sớm có bước chuyển trong hoạt động dạy và học để đạt kết quả tốt ở kỳ thi chung tổ chức vào trung tuần tháng 6 của năm sau.

Giám đốc sở DG-ĐT Dương Thế Phương: Đồng tình với phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia

Ngành GD-ĐT tỉnh nhà đồng tình với phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia trong năm 2015, do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 9-9. HS sẽ nhẹ nhàng hơn vì các em chỉ còn 1 kỳ thi. Từ kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ. Điều quan trọng ở đây là kỳ thi phải bảo đảm đánh giá được hiệu quả giảng dạy trong 12 năm học và kết quả phải khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực học tập của HS.

Trước chủ trương đổi mới thi cử của bộ, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có bước chuyển kịp thời trong hoạt động giảng dạy. Trong năm học mới 2014-2015, sở đã chỉ đạo các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực cho HS. Thực hiện đánh giá HS theo hướng dẫn mới của bộ. Đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy - học và giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS theo hướng phát triển năng lực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS. Ngành cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục trung học chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng các chủ đề tích hợp nội dung dạy học, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Sắp tới sở sẽ có giải pháp chỉ đạo kịp thời các đơn vị trường học trong việc tổ chức giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi cử theo chủ trương của bộ.

 

 A.SÁNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X