Năm 2017: Bình Dương xếp hạng 4 về thương mại điện tử!

Cập nhật: 11-08-2017 | 12:06:15

Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, Chương trình Thương mại điện tử (TMĐT) Bình Dương giai đoạn 2011-2015, 2017-2020 đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Năm 2017, chỉ số TMĐT (EBI) của tỉnh Bình Dương xếp hạng 4 (với số điểm 43) sau TP.HCM (78,6 điểm), Hà Nội (75,8 điểm) và Đà Nẵng (52,8 điểm) (theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2017).

Lãnh đạo Sở Công Thương, Báo Bình Dương họp bàn quy chế phối hợp tuyên truyền trên Nhật báo và Báo Điện tử Bình Dương

Đẩy mạnh tuyên truyền, thực thi pháp luật và đào tạo

Trong thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và TMĐT nói riêng được Sở Công Thương duy trì và triển khai thực hiện có hiệu quả trên Cổng thông tin điện tử với nhiều hình thức phong phú, có chất lượng và đi vào chiều sâu. Trong giai đoạn 2011-2017, đã cập nhật 741 văn bản quy phạm pháp luật các loại lên trên Cổng thông tin điện tử của sở với các chuyên mục thư viện pháp luật, giới thiệu những văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp - thương mại nói chung, TMĐT nói riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các DN khai thác và vận dụng.

Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và Báo Bình Dương thực hiện phát sóng 8 chương trình tọa đàm về TMĐT và tuyên truyền 24 kỳ, mỗi kỳ xuất bản 7.000 tờ báo nhằm giúp các DN cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh, tiếp cận các phương thức kinh doanh mới và phổ biến cho người tiêu dùng sử dụng các kênh TMĐT góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong công tác quản lý và phục vụ người dân.

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của sở còn mở chuyên mục TMĐT giúp DN tìm hiểu sâu hơn về tình hình ứng dụng TMĐT của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Nhằm nâng cao năng lực cho DN về kiến thức TMĐT trước giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay đang phát triển rất nhanh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh hàng năm ban hành các chương trình đào tạo TMĐT cho DN gắn nội dung đào tạo với định hướng của chuyên đề phát triển TMĐT, đồng thời bám sát nhu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng của người tham dự. Trong giai đoạn này, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành tổ chức thành công các chương trình hội thảo “Chữ ký số và ứng dụng chữ ký số”, “An toàn bảo mật thông tin và Chữ ký số” cho 350 cán bộ đại diện DN trên địa bàn tỉnh tham dự. Đặc biệt, Sở Công Thương Bình Dương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính triển khai các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về cải cách quy trình thủ tục hành chính. Phối hợp các Hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo TMĐT với chủ đề: “Kinh doanh trên internet”, “TMĐT và xây dựng chiến lược phát triển”, “Xây dựng và phát triển thương hiệu trong kỷ nguyên số”, “Quản trị rủi ro trong TMĐT”, “Quản trị thương hiệu trong TMĐT” và “Khai thác và tìm kiếm thị trường xuất khẩu qua mạng”. Mới đây nhất là lớp tập huấn Nâng cao hiệu quả công tác quản lý TMĐT.

Nhìn chung, các khóa học đã hệ thống hóa các kiến thức, thông tin trong việc xây dựng thương hiệu, đúc kết được những kinh nghiệm xây dựng thương hiệu từ các DN lớn. Từ đó, các DN có thể vận dụng những kiến thức mới phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đơn vị mình.

Cũng thông qua các khóa học, cán bộ DN có khả năng phân tích đánh giá mức độ phát triển TMĐT, từ đó DN xây dựng mô hình hồi quy, xây dựng định hướng chiến lược và đề xuất các giải pháp đồng bộ phát triển TMĐT, theo hướng phát triển kinh tế xanh, có hiệu quả, phát huy nguồn lực và lợi thế so sánh, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của DN trong giai đoạn hiện nay.

Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công

Nhìn chung thời gian qua, Sở Công Thương Bình Dương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo, thực hiện chương trình TMĐT tại tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là việc thực hiện tin học hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương đã xây dựng, thực hiện dự án Ứng dụng công nghệ thông tin tại sở và đã thống nhất nội dung khảo sát với Sở Thông tin và Truyền thông. Hiện tại, Sở Công Thương Bình Dương đang thực hiện Đề án Nâng cấp Cổng thông tin điện tử để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhu cầu truy cập, tra cứu của người dân và DN (đã đưa vào hoạt động từ năm 2015)x.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã đồng hành hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT. Các DN xuất khẩu có uy tín ở Bình Dương đã tham gia Cổng TMĐT quốc gia (ECVN). Đây là cổng TMĐT được đánh giá là sàn giao dịch hàng đầu Việt Nam. Vì vậy mọi thông tin được cung cấp thông qua ECVN đều xác thực và đáng tin cậy. Ngoài ra, Sở Công Thương còn hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh nhanh chóng làm quen và tham gia vào phương thức kinh doanh TMĐT: DN với DN (B2B) đầy tiềm năng. Theo đó, Sở Công Thương đã liên kết với Cổng TMĐT quốc gia để hỗ trợ thông tin cho các DN trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình trên. Kết quả bước đầu có hàng chục DN đăng ký tham gia.

Đồng thời, Sở Công Thương Bình Dương còn hỗ trợ nâng cao thứ hạng cho các DN nhỏ và vừa trên các công cụ tìm kiếm website như google, yahoo, nâng cao chất lượng về hình ảnh DN và quảng bá sản phẩm trên website TMĐT. Chương trình này được thực hiện có sự chọn lọc DN theo từng ngành nghề kinh doanh, giúp DN tiếp cận dễ dàng với các đối tác tiềm năng khắp nơi trên thế giới. Sở Công Thương đã phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và DN chọn lọc các DN trên địa bàn tỉnh tham gia thí điểm hoạt động này và có 5 DN đăng ký tham gia.

Hội nhập TMĐT ngày càng sâu rộng

Nhìn chung, hoạt động TMĐT trong thời gian qua ở Bình Dương đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác hỗ trợ phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương. Sự phối hợp, đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành đã nâng cao hiệu quả các chương trình TMĐT trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển TMĐT.

Rõ ràng, việc xây dựng nội dung chương trình gắn liền hơn với nhu cầu của DN đã mang lại lợi ích thiết thực cho DN cũng như công tác quản lý của cơ quan Nhà nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ngay cạnh TP.Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước, là nơi có tốc độ phát triển TMĐT nhanh, vì vậy Bình Dương sử dụng được nguồn lực cao từ các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, lập trình, thiết kế và duy trì website, cung cấp giải pháp TMĐT, cũng như nguồn nhân lực có trình độ cao.

Các DN đã chú trọng vào việc maketing qua mạng qua việc tham gia các sàn giao dịch trong nước và quốc tế, đăng quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, danh bạ web, gửi email khách hàng, việc gửi mail trở nên phổ biến, được nhiều DN lựa chọn do có giá thành rẻ, dễ thực hiện.

Tỷ lệ dân số trẻ đang trong độ tuổi đi làm cao, là thế hệ có khả năng tiếp cận cao với công nghệ thông tin và internet. Nhóm đối tượng này cũng có nhu cầu cao sử dụng internet trong công việc và đời sống sẽ là nhóm tiên phong trong việc sử dụng các dịch vụ về TMĐT.

Theo khuynh hướng phát triển TMĐT của thế giới, cũng như khuynh hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam, có thể nói Bình Dương đang hội nhập TMĐT với tốc độ nhanh. Còn các nhà quản lý nhà nước của chúng ta đang cố gắng từng bước “pháp luật hóa” TMĐT, hoàn thiện dần hành lang pháp lý về TMĐT. Với sự hỗ trợ về chính sách từ các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương các văn bản pháp luật được ban hành ngày càng sát sườn, đã giúp DN mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, mô hình phát triển TMĐT mới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng TMĐT, thời gian qua DN đã mạnh dạn thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, Bình Dương nói chung, các DN Bình Dương nói riêng đang hội nhập TMĐT ngày càng sâu rộng, góp phần nâng cao chỉ số TMĐT của tỉnh nhà một cách bền vững . (Còn tiếp)

Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính của tỉnh được thực hiện trên trang Thông tin hành chính công của tỉnh ở cấp độ 3, 4. Theo đó, dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ các cấp, các ngành và địa phương nhằm phục vụ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp (DN).

 

KỲ 2: “KẾ HOẠCH TMĐT GIAI ĐOẠN 2017-2020: Đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ DN”

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên