Nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn: Ruộng vườn kêu cứu!

Cập nhật: 31-07-2014 | 00:00:00
Kỳ 1: Ruộng vườn kêu cứu!

 Nhờ thiên nhiên ưu ái, có con sông Sài Gòn chảy qua rất thuận lợi cho giao thông đường thủy và canh tác nông nghiệp nên xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng là vùng quê trù phú với nhiều vườn cây ăn trái đặc sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nạn khai thác cát trái phép trên đoạn sông này diễn biến khốc liệt; không ít nông dân cứ bị mất dần đất đai sản xuất là điều có thật và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn!

   Đất vườn của ông Huỳnh Văn Ngọt đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép Ảnh:T.QUANG

 Đất sụp xuống đáy sông!

Về Thanh Tuyền trong ngày đầu tháng 7, lội qua những vườn chôm chôm, măng cụt… trĩu cành nằm sát mép sông Sài Gòn; đi đến đâu, P.V cũng ghi nhận niềm vui năm nay cây trái được mùa, song kèm với đó là canh cánh nỗi lo vì đất vườn, đất ruộng bị mất dần do nạn “cát tặc” đang rút rỉa tài nguyên ở dưới lòng sông. Là nông dân chân chất, quý đất như vàng nên ông Huỳnh Văn Ngọt, 62 tuổi, ấp Suối Cát phải dựng lều ở sát mép sông và chuẩn bị sẵn giàn ná thun, sẵn sàng đuổi bọn “cát tặc”. “Tài sản duy nhất và lớn nhất của cha tôi để lại là 3 sào đất vườn ở sát bờ sông này! Thế nhưng, trong nhiều năm qua, bọn khai thác cát trái phép thọc vòi bơm vào hút cát lấy đi của tôi hơn cả sào đất vườn, cây trái cũng theo đó mà đổ sụp xuống dòng sông, khiến gia đình tôi thiệt hại đủ đường!”, ông Ngọt nói trong uất nghẹn. Để chứng minh lời của mình, ông kéo chúng tôi ra tận bờ vườn cây đang bị sạt lở đổ sụp xuống sông Sài Gòn; ông chỉ tay ra xa: “Hơn 10 năm trước, đất vườn nhà của tôi ra ngoài kia gần 40m. Cũng do giá cát xây dựng tăng cao khiến nhiều kẻ hám lợi, chúng ngày đêm chạy ghe lui tới đoạn sông này để lén cắm vòi bơm hút cát. Đó là hành vi ăn trộm tài sản của Nhà nước; của người dân cũng là tài sản của gia đình tôi và nhiều người dân có đất nằm dọc theo con sông này”. Quá đỗi bất bình sinh ra phản kháng, cách đây chừng vài tháng, trong một lần xua đuổi và dùng ná thun ngăn chặn 3 chiếc ghe đang cắm vòi bơm hút cát trên phần đất của mình, gia đình ông đã bị bọn chúng dùng mã tấu hành hung. Với quyết tâm giữ đất, ông quyết liệt chống trả đến cùng buộc chúng phải bỏ đi.

Cùng tâm trạng bức xúc, bà Phạm Thị Mết, 67 tuổi, ấp Rạch Kiến như đang phẫn nộ trước thực trạng mất dần đất canh tác ở đây: “Hơn 10 năm nay, ngày cũng như đêm, nhiều đối tượng hung hãn ở bên xã Hưng Thuận và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) đưa ghe đến đây cắm vòi hút sạch cát dưới lòng sông thì nay lại cắm vào đất nhà tôi. Đất vườn bị sạt lở, cây trái ngã đổ xuống sông, rất nhiều lần chúng tôi phản ánh việc này lên chính quyền địa phương, các anh cho lực lượng về truy đuổi. Thế nhưng, đâu cũng lại vào đấy! Khi lực lượng chức năng rút đi, ghe hút cát lại kéo đến hì hục hoạt động cày xới dòng sông này. Từ 2 sào đất vườn nhà trồng cây ăn trái, nay tôi chỉ còn lại có chút tẻo như vầy! Thấy mà xót, mà căm giận cái bọn cát tặc”, bà Mết trút giận.

Với những bức xúc như ông Ngọt, bà Mết cũng chỉ là những người đại diện mà P.V gặp gỡ; họ thay lời cho hàng chục hộ dân khác đang lo lắng trước nguy cơ tiếp tục bị mất đất canh tác do nạn “cát tặc” gây ra ở xã Thanh Tuyền. Đáng quan tâm hơn, hiện nay một số người vì lo sợ nạn cát tặc “nuốt” hết ruộng vườn, họ đành chấp nhận cách bán đất cho các chủ ghe khai thác cát. Vì thế, ruộng vườn ở Thanh Tuyền ngày càng bị sạt lở xuống đáy sông Sài Gòn. Một người dân vừa bán đất cho chủ ghe khai thác cát trái phép, phân trần: “Giữ riết cũng không được thì mình phải cho chúng thọc vòi vào đất vườn nhà để bơm hút cát. Cứ 100.000 đồng/1 ghe cát xem chừng thấy khỏe hơn là dựng lều để canh giữ thì cũng nguy hiểm! Biết làm như vậy thì không đúng với chủ trương của Nhà nước nhưng không bán thì đất của tôi cũng bị mất dần thôi!”.

Chính quyền địa phương khó xử lý?

Tiếp chuyện với P.V, ông Lưu Vĩnh Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết đoạn sông Sài Gòn này ngang qua 6 ấp, với chiều dài 12km. Toàn xã có trên 116 ha cây ăn trái, như: Măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… tập trung chủ yếu ở những vùng đất ven sông đang đứng trước nguy cơ đổ sụp xuống sông do nạn “cát tặc” hoành hành. Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân địa phương chúng tôi. Mà đây là địa bàn giáp ranh với nhiều xã bên huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) nên địa phương rất khó quản lý. Ngoài những chủ ghe ở xã còn có nhiều đối tượng hung hãn ở bên xã Hưng Thuận, Phú Mỹ Hưng, Hưng Phú (huyện Củ Chi) thường kéo sang đây trục lợi từ cát. Họ rất manh động; hoạt động có tổ chức; sẵn sàng chống trả lại lực lượng truy đuổi. Mỗi khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng lập tức truy bắt nhưng họ nhanh chóng bỏ trốn. Sau khi lực lượng rút khỏi địa bàn, họ quay trở lại tiếp tục hút cát. Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Tuyền có 14 ghe máy đang hoạt động. Hàng năm, lãnh đạo UBND xã đều có mời những chủ ghe này đến làm việc, ký cam đoan không tham gia vào việc khai thác cát trái phép; buộc các chủ ghe khai thác cát phải tháo dỡ thiết bị bơm hút cát và chuyển đổi công năng ghe.

Bày tỏ về những khó khăn thực tế, ông Quốc cho biết thêm: Lực lượng, phương tiện của xã và huyện còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp ngành chưa thật sự hiệu quả; chưa có quy định cụ thể nào về việc xử lý vi phạm cũng đã gây khó trong việc xử lý đối tượng khai thác cát trái phép ở địa phương. Theo ông Quốc, để cho việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép đạt hiệu quả, cần có văn bản quy định cụ thể việc xử lý các vi phạm. Ngoài ra, khi cấp phép cho các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, ngành chức năng cần có ý kiến của xã và huyện để sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Trả lời câu hỏi về tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp đã bị thiệt hại do nạn khai thác cát trái phép gây ra ở xã Thanh Tuyền, ông Quốc cho biết: Tính đến thời điểm này, địa phương có nhiều diện tích đất đã bị mất trắng do nạn “cát tặc”. Hiện xã cũng chưa đo đạc và thống kê số diện tích bị thiệt hại là bao nhiêu và tình trạng đất vườn, đất ruộng bị sạt lở nặng nhất tập trung ở các ấp như: Xóm Bến, Suối Cát, Rạch Kiến, Bưng Còng.

 Kỳ 2: Tập kích “cát tặc” trên sông!

 THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=598
Quay lên trên