Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 25-10-2018 | 08:55:22

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn (LĐNT), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 537/QĐ- UBND ngày 6-3-2018 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương năm 2018.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề

Theo kế hoạch, năm 2018, Bình Dương tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng, gồm một số ngành nghề như: May công nghiệp; may gia dụng; thiết kế, tạo mẫu tóc; lái xe nâng hàng; nấu ăn, đãi tiệc; cắm hoa; trang điểm; trồng và nhân giống nấm; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; chăn nuôi thú y; trồng bưởi theo công nghệ VietGap; trồng rau an toàn.

Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn

Kế hoạch này hướng đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đối tượng áp dụng người học là phụ nữ, LĐNT, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo phải trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi), người khuyết tật, lao động bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù...

Chính sách đối với người học

Hỗ trợ chi phí đào tạo người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn luật: tối đa 6 triệu đồng/ người/khóa học. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg; lao động nữ bị mất việc làm: tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh): tối đa 2,8 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, LĐNT không thuộc các đối tượng trên: Mức tối đa 2,8 triệu đồng/ người/khóa học. Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu trên chỉ được hưởng mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất. ..

Người lao động được vay vốn để học nghề theo quy định hiện hành. Nếu làm việc ổn định ở địa phương (có xác nhận của UBND xã) sau khi học nghề sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất đối với các khoản đã vay. Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách của đề án này. Trường hợp những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của chương trình này nhưng tối đa không quá 3 lần.

Chính sách đối với giáo viên, giảng viên, người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề) được trả tiền công giảng dạy với mức 52.500 đồng/giờ; người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 300.000 đồng/buổi...

Đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chức năng đào tạo phù hợp (kể cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đều được tham gia). Ngoài ra còn thực hiện hình thức đào tạo lưu động tại xã, phường, thị trấn, theo cụm dân cư.

 Theo kế hoạch, năm 2018 tổ chức đào tạo nghề cho 1.547 người là LĐNT. Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp: 970 người, nhóm nghề nông nghiệp: 577 người.

 

T.VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên