Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hành chính - Bài 2

Cập nhật: 17-01-2019 | 21:40:27

Bài 2: Giải pháp nâng cao chất lượng công chức hành chính

 

 Trong những năm gần đây, Bình Dương luôn xác định rõ quan điểm nâng cao năng lực đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh phải gắn liền với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nâng cao năng lực cán bộ, đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh ở Bình Dương hiện nay thực sự là yêu cầu bức thiết, nhất là trong cải cách hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

 Cán bộ “một cửa” cấp tỉnh cần được đào tạo bài bản về các kỹ năng ứng xử để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” Sở Kế hoạch - Đầu tư giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc”. Việc tuyển dụng được những công chức hành chính thực tài thì chắc chắn nền công vụ sẽ hoạt động tốt bởi vì vấn đề hết sức đơn giản là bất cứ việc gì cũng do con người thực hiện. Các biện pháp trong đổi mới công tác tuyển dụng công chức hành chính cấp tỉnh ở Bình Dương thời gian tới cần tập trung là: Phải hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm khoa học, chặt chẽ, xây dựng tiêu chuẩn chức danh công chức hành chính. Tuyển dụng phải trên cơ sở vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức hành chính của từng cơ quan, đơn vị theo bản mô tả công việc của từng vị trí cụ thể như vị trí công chức. Bảo đảm tuyển phù hợp với cơ cấu đã xây dựng và được phê duyệt, đúng số lượng, đúng người, đúng việc. Tiếp tục hoàn thiện khung năng lực để làm cơ sở bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức hành chính mới trúng tuyển như: Khả năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm, năng lực soạn thảo văn bản, năng lực tham gia xây dựng chính sách, năng lực phối hợp trong công việc, năng lực giao tiếp, ứng xử tiếp xúc với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

Bình Dương cũng sẽ chú trọng đổi mới tình hình thi tuyển công chức hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu việc thi tuyển trực tuyến để tạo ra sự thay đổi tích cực, bảo đảm cạnh tranh khách quan, minh bạch, có sự kiểm soát lẫn nhau, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Bộ Nội vụ cần thiết phải xây dựng ngân hàng đề thi cho các môn thi, nghiên cứu ứng dụng các phần mềm để thực hiện việc chấm bài bằng máy. Bình Dương cũng đã áp dụng hình thức thi và chấm điểm trên máy tính nhưng mới chỉ sử dụng trong môn tin học. Trong thời gian tới cần nghiên cứu thi trên máy cho tất cả các môn thi. Cùng với đó là bổ sung hình thức phỏng vấn trong thi tuyển, xác định đây là bước cuối cùng để đánh giá trực tiếp các kỹ năng của các ứng viên. Cùng với đó, Bình Dương thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính của tỉnh Bình Dương đạt kết quả tốt nhằm góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện các biện pháp sau: Xác định đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Để xác định đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cần thiết phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Những kiến thức, kỹ năng nào cần thiết cho vị trí việc làm mà công chức hành chính đang đảm nhận hoặc dự kiến phân công; những kiến thức, kỹ năng nào mà công chức hành chính đang có; và đối chiếu những kiến thức, kỹ năng cần có và hiện có để xác định công chức hành chính còn thiếu gì. Sau khi xác định được các nội dung trên thì cần thông qua các phương pháp như: Điều tra, khảo sát hoặc dựa trên phân tích tổ chức, các kế hoạch hoạt động và kế hoạch nguồn nhân lực để xác định nhu cầu đào tạo.

Để làm được điều này cần thiết phải lập kế hoạch thực hiện xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, phân tích nhu cầu đào tạo, đánh giá chính xác thực trạng và những kiến thức, kỹ năng thiếu hụt của công chức hành chính để xác định mục tiêu và xây dựng nội dung đào tạo. Hai là, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Đây là nội dung liên quan mật thiết đến biện pháp nêu trên. Từ việc xác định đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Trong một thời gian dài chúng ta chỉ đào tạo những gì mình có chứ chưa thực sự đào tạo, bồi dưỡng những nội dung mà công chức hành chính cần. Mặt khác, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, thiếu cập nhật và thường sử dụng phương pháp truyền thống là đọc ghi như học sinh phổ thông nên hiệu quả tiếp nhận của công chức hành chính chưa cao. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải dựa trên thực tế công việc của công chức hành chính và từ các bản mô tả công việc của công chức hành chính. Bản mô tả công việc này giúp giảng viên xác định được kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện công việc.

Việc xác định nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và trách nhiệm của cơ quan quản lý và cơ quan sử dụng công chức hành chính. Cơ quan quản lý công chức hành chính chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chung về đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính và tổ chức thực hiện; cơ quan sử dụng công chức hành chính cũng phải xây dựng kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình và có sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan quản lý công chức hành chính. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo các giải pháp, biện pháp đã nêu trên. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức hành chính căn cứ kế hoạch được phê duyệt tạo điều kiện để công chức hành chính tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “xin cho” thì nguồn kinh phí này phải lập kế hoạch từ năm trước của năm đào tạo để chủ động.

Mục tiêu xây dựng nền hành chính chính quy hiện đại đặt ra yêu cầu phải chuyên môn hóa, hiện đại hóa đội ngũ công chức hành chính với tư cách là nòng cốt của nền hành chính nhà nước. Công chức hành chính là những người được đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy bài bản, hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm cho công vụ được thực hiện liên tục và ổn định. Do đó, đội ngũ công chức hành chính cần phải được đào tạo về mặt chuyên môn một cách chính quy, hệ thống.

 

Việc nâng cao ý thức, xác định cụ thể trách nhiệm và quyền lợi của công chức hành chính trong đào tạo, bồi dưỡng cũng hết sức cần thiết. Cụ thể: Công chức hành chính được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình; phải chấp hành nghiêm túc quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với công chức hành chính được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tránh tình trạng có cơ quan xem việc cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng là một cách ban ơn hoặc cá biệt có đơn vị công chức quá nhàn rỗi hoặc chưa được giao việc nên cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho đủ chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời những công chức đạt kết quả xuất sắc trong khóa đào tạo, bồi dưỡng; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm nghiêm túc và xử lý kỷ luật những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng…

Trong các giải pháp thực hiện thường xuyên và đổi mới công tác đánh giá công chức hành chính, tỉnh cũng cần xác định đúng đắn mục đích của công tác đánh giá công chức hành chính; xây dựng tiêu chí đánh giá từng vị trí việc làm, tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, yêu cầu của công việc, mô tả đầy đủ và chi tiết nhiệm vụ cũng như chức trách của công chức hành chính làm cơ sở cho việc đánh giá được nhanh chóng và khoa học… Đánh giá công chức hành chính phải thường xuyên, liên tục và lâu dài, hồ sơ đánh giá phải được lưu trữ khoa học. Đánh giá đầy đủ, toàn diện trong đó chú ý đến tính cách của từng cá nhân công chức hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí, sử dụng công chức hành chính.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, tỉnh cũng sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, đề bạt, luân chuyển công chức hành chính là những nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ đối với công chức hành chính cấp tỉnh; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức nhà nước; nâng cao khả năng tự điều chỉnh, tự học, tự đào tạo của công chức hành chính cấp tỉnh…

 PHẠM THÀNH LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên