Nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật: 04-08-2017 | 08:59:46

Nâng cao chất lượng lao động là việc làm cần thiết trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời đáp ứng nhu cầu nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Người lao động đang làm việc tại Công ty gỗ Liên Thanh (TX.Bến Cát). Ảnh: TIỂU MY 

- Thưa ông, hiện nay nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang rất cần lao động có tay nghề. Xin ông cho biết kế hoạch của ngành về đào tạo nguồn lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN trong thời gian tới?

- Tính trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hiện toàn tỉnh có 7 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp. Mỗi năm các cơ sở này đào tạo tốt nghiệp ra trường khoảng 30.000 lao động có trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng. Nhìn chung, số lượng người học nghề tại các trường cao đẳng và trung cấp trong tỉnh khi tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt tỷ lệ trên 80%, đặc biệt đối với những nghề luôn được DN quan tâm tuyển dụng như cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện công nghiệp… tỷ lệ đạt 100%. Đây là tín hiệu tốt để các trường phải tập trung phát huy nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của DN, đào tạo theo đơn đặt hàng; đồng thời bám sát vào nhu cầu tuyển dụng lao động của DN.

Xác định việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao là chiến lược của địa phương nhằm phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cung cấp cho các DN trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tiến hành xây dựng Đề án hình thành 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, gồm các trường: Cao đẳng nghề Việt Nam -Singapore, Cao đẳng Việt - Hàn Bình Dương, Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An. Đây là 3 trường quy mô lớn của tỉnh, có thể bảo đảm đáp ứng về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ yêu cầu để đào tạo nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề chất lượng cao cung cấp cho DN. Các trường sẽ tập trung đào tạo những ngành nghề theo định hướng của tỉnh và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, có thu nhập cao và ổn định.

- Để nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, các trường nghề cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi phương thức đào tạo gắn liền với thực tiễn, trong đó vai trò kết nối của ngành lao động là rất lớn. Xin ông cho biết những kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh việc hợp tác giữa các trường nghề trong tỉnh và DN trong việc tham gia vào công tác đào tạo nhân lực trong thời gian tới?

- Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, DN phải có trách nhiệm chính trong việc đào tạo nghề cho lao động trong DN của mình bằng nhiều hình thức như: Tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của DN hoặc có thể phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo… Do đó, để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao thì ngoài việc yêu cầu nhà trường phải có quy mô lớn, đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo, kỹ năng nghề bảo đảm chất lượng, chương trình, giáo trình đào tạo nghề tiên tiến còn đòi hỏi DN cũng cần tích cực đẩy mạnh hợp tác, gắn kết tham gia vào hoạt động đào tạo nghề ở từng công đoạn với nhà trường. Cụ thể như DN có thể tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá tiêu chuẩn nghề và kiểm tra xem quá trình đào tạo tại nhà trường có phù hợp với DN không? Để từ đó nhà trường mới có thể tự nhìn nhận được kết quả chất lượng đào tạo nghề, tác phong nghề nghiệp của người học có phù hợp với thực tiễn, với DN hay không?

Vì vậy, tới đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động thực hiện quy hoạch phát triển các trường nghề có các chương trình, kế hoạch đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN. Bên cạnh đó, hàng năm sở xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh nhằm định hướng công tác đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay thị trường lao động đúng với chuyên ngành được học. Định kỳ, sở cũng tổ chức các đợt tham quan, gặp gỡ, tiếp xúc giữa DN với các trường nhằm tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa DN và nhà trường ngày càng gắn kết.

- Bên cạnh trình độ chuyên môn thì đa phần các chủ DN cho rằng người lao động hiện nay vẫn đang thiếu nhiều kỹ năng xã hội như: các kỹ năng làm việc, giao tiếp, đàm phán, giải quyết vấn đề... Ý kiến của ông về vấn đề này và làm thế nào để nâng cao những kỹ năng cho người lao động, thưa ông?

- Hiện nay, theo quy định về xây dựng chương trình đào tạo, các trường sẽ tự xây dựng và chịu trách nhiệm. Hầu hết các trường ở Bình Dương hiện chưa có phân bổ bố trí giờ cho việc giáo dục, bồi dưỡng những kỹ năng mềm, các kiến thức ứng phó cần thiết trong xã hội… mà chỉ lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Hội. Sắp tới đây, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn về Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng sẽ có quy định “Nội dung công tác học sinh, sinh viên” thì sở sẽ triển khai tổ chức thực hiện cho các trường cần chú trọng hơn nữa trong xây dựng và tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp… Mục đích là nhằm bổ trợ cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng về ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm và hoạt động khởi nghiệp…

- Theo các chuyên gia về nhân lực, đào tạo nghề song song với việc dự báo được việc làm và mức thu nhập là một biện pháp rất hiệu quả trong việc thu hút người học vào giáo dục nghề nghiệp. Riêng với Bình Dương, là một tỉnh công nghiệp phát triển thì điều này còn có ý nghĩa rất lớn. Vậy trong thời gian tới, ngành có kế hoạch gì để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thu hút người học vào giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo ra nguồn lực có trình độ cao và kỹ năng làm việc hiệu quả cho tỉnh nhà?

- Nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng đào tạo nghề có trình độ cao và kỹ năng làm việc hiệu quả cho tỉnh, trong thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; trong đó tập trung các nhiệm vụ như: Tăng cường thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đồng thời quan tâm đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đây là yếu tố quyết định đánh giá hiệu quả và chất lượng đào tạo cũng như sự công nhận của xã hội đối với thương hiệu của mỗi trường. Bên cạnh đó, việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp được tổ chức thực hiện trong suốt quá trình trước, trong và sau khi tốt nghiệp; thường xuyên tổ chức mời các chuyên gia giảng dạy về kỹ năng mềm nhằm định hướng cho học sinh, sinh viên có thái độ đúng đắn khi tham gia lao động sản xuất thực tế tại các DN.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền các thông tin về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên chuyên mục Dạy nghề - Việc làm, Giáo dục hướng nghiệp để người dân có thể tiếp cận tốt các nội dung thông tin tuyên truyền. Mặt khác, phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo để cùng bảo đảm thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp làm cơ sở cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển.

TIỂU MY  (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên