Nâng cao chỉ số PCI và những tín hiệu tích cực

Cập nhật: 02-08-2012 | 00:00:00

Ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) năm 2011 với việc Bình Dương tụt xuống vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp, giao các sở ngành liên quan trực tiếp, lập kế hoạch để cải thiện, nâng cao chỉ số này. Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, việc nhanh chóng triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số PCI cũng chính là giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN...

Yêu cầu từ thực tế

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn hiện nay của DN, CEO của một DN cho rằng phải dùng cụm từ “cả núi” mới lột tả hết khó khăn của cộng đồng DN. Nhìn từ thực tế, nhận xét của vị này là hoàn toàn đúng với tình hình của các DN hiện nay. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã đẩy nhiều DN vào tình trạng đình trệ, ngưng hoạt động. Đến nay, khi mà lãi suất đã dễ thở hơn đôi chút thì DN lại không tiếp cận được nguồn vốn vay do cơ cấu nợ không tốt, không đủ điều kiện vay vốn từ các ngân hàng; hàng tồn kho tăng lên do đầu ra thu hẹp khi sức mua thị trường sụt giảm bởi các tín hiệu suy giảm kinh tế xuất hiện qua việc CPI liên tục tăng trưởng âm thời gian qua... 

Thủ tục hành chính gọn nhẹ cũng là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong ảnh: Đại diện DN làm thủ tục XNK tại Hải quan Bình Dương

Nỗi lo của nền kinh tế hiện nay không còn là câu chuyện chống lạm phát mà là làm sao để DN ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống lại khả năng suy giảm kinh tế. Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, tạo ra sự thuận lợi về các thủ tục hành chính cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra là yêu cầu bức thiết mà thực tế đang đặt ra cho các cấp chính quyền. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện chỉ số PCI cũng chính là thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN hiện nay. Cũng chính vì điều này mà tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29 QH/2012 khóa XIII mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tiếp tục yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát lại các chỉ số thành phần của PCI, qua đó điều chỉnh, xây dựng lộ trình để khắc phục những hạn chế bộc lộ thời gian qua, khiến cho DN chưa thật sự hài lòng.

Những tín hiệu tích cực

“Trong quá trình tiếp xúc với DN, người lãnh đạo phải có thái độ phục vụ, lắng nghe và thấu hiểu. Khi nghe thông tin từ cấp dưới, phải kiểm tra xác minh chính xác, tránh tình trạng quan liêu. Thực tế chỉ ra rằng, có thể người lãnh đạo rất công tâm nhưng do nghe thông tin tham mưu không chuẩn nên đưa ra những quyết định chưa đúng, qua đó gây phiền hà, khó khăn cho DN...”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung)

 

Theo báo cáo nhanh từ Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Lê Văn Trang, trong kế hoạch xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực PCI, Cục Thuế tỉnh đã áp dụng chữ ký số trong các giao dịch hành chính giữa cơ quan thuế với DN. “Về thực hiện chữ ký số, với trên 10.000 DN mà Cục Thuế quản lý, đã có 5.000 DN thực hiện giao dịch qua chữ ký số, 6.000 DN đã có chữ ký số và sẽ áp dụng vào giao dịch trong thời gian tới...”, ông Trang cho hay. Ngoài ra, cũng theo ông Trang, Cục Thuế Bình Dương còn áp dụng hình thức giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN về các thủ tục thuế qua internet bằng việc thiết lập các hộp thư điện tử... Những cải thiện về hình thức thực hiện các giao dịch hành chính hiện đại sẽ góp phần giúp DN thuận tiện hơn mỗi khi một vướng mắc hay khó khăn nào xuất hiện, qua đó cũng sẽ làm DN có thiện cảm và đánh giá tốt hơn khi được tham vấn để đánh giá PCI.

Bên cạnh những tín hiệu từ Cục Thuế tỉnh, những động thái từ ngành hải quan, nơi mà tính minh bạch thuộc một chỉ số thành phần của PCI khá thấp năm qua, cho thấy sự quyết tâm minh bạch hóa của ngành này trong nỗ lực cải thiện PCI. Theo ông Hàn Anh Vũ, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, qua rà soát thực tế trong lĩnh vực hải quan, Cục Hải quan Bình Dương đã triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực PCI trong năm 2012 và thời gian tới khá chi tiết; trong đó đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN. Đến nay, việc thực hiện các thủ tục hải quan thông qua hải quan điện tử đã cơ bản hoàn thiện. Tính đến thời điểm này, trên 95% số tờ khai hải quan và trên 98% kim ngạch XNK đã được thực hiện qua hải quan điện tử. Đặc biệt, tỷ lệ phân luồng tờ khai đạt 53,75% luồng xanh và 28,21% luồng vàng điện tử; chỉ còn 12,24% luồng vàng kiểm tra chứng từ giấy và 5,79% luồng đỏ. Theo đó, với 2 luồng xanh và vàng điện tử, các DN không còn phải đến cơ quan hải quan để giao dịch, qua đó hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình tiếp xúc giữa nhân viên hải quan và DN, tạo ra tính minh bạch cao hơn. Ông Vũ cũng cho hay, Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông quan điện tử theo mô hình xử lý dữ liệu điện tử tập trung tại cấp cục và hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS do Nhật Bản tài trợ cho ngành hải quan; tập trung thực hiện nghiêm cam kết “tuyên ngôn phục vụ khách hàng” với phương châm “minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Với các động thái tích cực từ các ngành thuế, hải quan trong nỗ lực cải thiện PCI, hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có được những thuận lợi. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc cởi được một “nút thắt” nào đó trong khâu sản xuất, kinh doanh của DN đều có ý nghĩa rất lớn, giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của địa phương.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên