Nâng cao công tác đo lường chất lượng

Cập nhật: 20-01-2017 | 08:40:21

Hiện nay, hoạt động đo lường đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ… Do đó, việc áp dụng hệ thống đo lường theo chuẩn thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời còn là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Trong thời gian qua, công tác đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng được chuyên môn hóa cao, áp dụng các máy móc hiện đại trong việc kiểm định, hiệu chuẩn…

Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL thuộc Chi cục TCĐLCL tỉnh đang thử nghiệm an toàn điện đối với các sản phẩm điện - điện tử gia dụng Ảnh: C.T.V

Thực hiện tốt quản lý nhà nước về đo lường

Là một trong những tỉnh, thành trong cả nước phát triển mạnh về kinh tế, Bình Dương đã thu hút được hơn 2.800 doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Do đó, việc quản lý nhà nước về đo lường đặt ra một thách thức không nhỏ cho các ngành, đơn vị liên quan. Từ những khó khăn ban đầu, cho đến nay công tác đo lường trên địa bàn tỉnh đã hoạt động ổn định và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực có tính chính xác cao, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại.

Ông Lý Thái Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp của các đơn vị liên quan đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL của đơn vị được diễn ra thuận lợi. Đến nay, Bình Dương đã có đủ khả năng kiểm định, hiệu chỉnh trên 31 lĩnh vực, hoạt động thử nghiệm trên 16 lĩnh vực với hệ thống máy móc hiện đại, cấp chính xác cao. Qua đó giúp cho việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa theo các tiêu chuẩn đã đặt ra trong quản lý nhà nước.

Với những điều kiện thuận lợi đó, trong năm 2016, chi cục đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn được 52.307 phương tiện đo; trong đó kiểm định 2.116 cột đo nhiêu liệu, kiểm định 1.130 cân phân phân tích-kỹ thuật, hiệu chỉnh 3.616 quả cân, hiệu chuẩn 1.431 nhiệt kế… Đơn vị cũng đã thử nghiệm được 9 sản phẩm điện-điện tử gia dụng, thử nghiệm 7 sản phẩm vật liệu xây dựng; gồm thực hiện thử nghiệm 88 mẫu thép xây dựng, 73 mẫu bê tông xi măng, 394 mẫu đo điện trở tiếp đất… Chi cục đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, đạt 103,6% so với kế hoạch năm.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Bên cạnh việc bảo đảm công tác quản lý nhà nước về đo lường trong việc hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện công bố tiêu chuẩn, hợp chuẩn, hợp quy và thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, công tác nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Theo Chi cục TCĐLCL tỉnh, hiện nay do xu hướng xã hội hóa hoạt động kiểm định, hiệu chỉnh, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước với các đơn vị kiểm định bên ngoài. Để công tác quản lý nhà nước về đo lường ngày càng đạt hiệu quả, chi cục đã và đang thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định, với việc ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng đã góp phần đem lại sự công bằng trong lĩnh vực thương mại, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, cùng với những người kinh doanh chân chính. Để công tác đo lường ngày càng hiệu quả, ngoài việc cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy về TCĐLCL, cũng tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; đồng thời kết hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

Ý nghĩa Ngày Đo lường Việt Nam 20-1

Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng… Việc áp dụng hệ đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường; đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Đây cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì thế, ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL về việc thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét (m). Theo Sắc lệnh, đo lường hệ Mét được chính thức công bố áp dụng ở nước ta. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về đo lường và cũng là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành đo lường Việt Nam.

Từ những đơn vị đo cổ truyền như mủng, đấu, sào, mẫu… Sắc lệnh 08/SL đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa công tác đo lường của nước ta hội nhập vào dòng chảy của văn minh và tiến bộ trên toàn thế giới. Do đó, ngày 11-10-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/ QĐ-TTg lấy ngày 20-1 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường làm Ngày Đo lường Việt Nam.

Trải qua 67 năm, từ khi có Sắc lệnh 08/SL và các Pháp lệnh đo lường năm 1990 và 1999, đến khi Luật Đo lường ngày 11-11-2011 được ban hành, công tác đo lường của nước ta ngày càng gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 HOÀNG PHẠM

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên