Nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số 

Cập nhật: 25-11-2015 | 08:45:27

Nhiều năm nay, bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thoát nghèo thì công tác giáo dục cũng được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Qua đó, từng bước nâng cao dân trí, tay nghề, tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc phục vụ cho địa phương.

Con em ĐBDTTS tại Phú Giáo được học tin học tại trường Trung cấp kỹ thuật Phú Giáo  

 

 

 Vượt khó đến trường

Được sự giới thiệu của cán bộ xã An Bình, huyện Phú Giáo, chúng tôi tìm đến nhà em Ngưu Thị Thu, người Khmer với thành tích học tập nổi bật. Mơ ước trở thành giáo viên nên em đang theo học Khoa Sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một. Nhìn bảng thành tích học tập của Thu, mọi người đều nể phục cô gái nhỏ, với 12 năm liền là học sinh khá, giỏi tại các trường phổ thông. Lên đại học, em cũng là một trong những sinh viên khá của trường. Quay về quá khứ, Thu tâm sự, ba mẹ em từ Bình Phước về Bình Dương lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, ba bỏ hai mẹ con đi lấy vợ khác. Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng mẹ Thu vẫn cố gắng cho em đến trường. Thấy mẹ vất vả, em quyết tâm học thật giỏi để mai này có công ăn việc làm ổn định để phụ giúp gia đình.

Hiểu được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ sẽ đem lại cuộc sống ổn định cho con em mình, những bậc làm cha, làm mẹ người ĐBDTTS đã cố gắng động viên, làm tất cả mọi việc để cho các con được đến trường. Điển hình như gia đình ông Hà Văn Thàn, (dân tộc Nùng, 57 tuổi, xã An Linh, huyện Phú Giáo). Ông Thàn kể lại: “Những ngày đầu đến Bình Dương làm kinh tế rất khó khăn. Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng muốn cho các con nghỉ học để phụ làm việc nhà, việc đồng áng nhưng nghĩ lại thương con. Do đó, vợ chồng tôi quyết tâm dù khó cũng phải cho con cái chữ để mai sau có việc làm, không làm nông như mình”. Như thấu hiểu lòng cha mẹ, các con của ông Thàn đều chăm ngoan, học giỏi. Sau những năm tháng “dùi mài kinh sử” giờ họ tự tin thể hiện khả năng khi đã có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay, người con đầu, chị Hà Thị Diệp tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đang làm công chức tại tỉnh Bình Phước. Người con kế, Hà Thị Hiền tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, đang làm tại văn phòng huyện Phú Giáo. Hai người con kế, một người đang theo học tại trường Đại học ở Cần Thơ. Người con trai út đang theo học tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

Hỗ trợ học tập

Gặp, trao đổi với những trường hợp trên, chúng tôi mới biết được tinh thần chịu thương chịu khó của những bậc sinh thành muốn con biết cái chữ. Càng khâm phục hơn trước tinh thần học tập của thế hệ con cháu người ĐBDTTS. Dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn quyết “chinh phục” tri thức. Sau khi học xong, nhiều người trở về quê hương để đóng góp cho Bình Dương thêm giàu mạnh.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Các ngành, các cấp và địa phương cần xây dựng kế hoạch nâng cao dân trí cho ĐBDTTS; có phương án cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng người ĐBDTTS vào công tác trong hệ thống chính trị và các doanh nghiệp nhà nước để ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, tăng cường việc vận động, hỗ trợ học sinh là người DTTS trong độ tuổi đến trường, khắc phục tình trạng bỏ học; có chính sách khuyến khích kịp thời cho con em ĐBDTTS học cao, học giỏi; chú trọng công tác hướng nghiệp, tạo nguồn, giải quyết việc làm phù hợp với yêu cầu tại địa phương.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính những người ĐBDTTS, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc học tập, đến trường của con em họ. Cụ thể, tất cả con em ĐBDTTS đều được miễn giảm học phí, được tặng sách vở vào đầu năm học mới, hoặc cho vay để học tập đối với học sinh, sinh viên là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn. Từ đó, trình độ văn hóa của người ĐBDTTS ngày một nâng lên, đến nay có 3.809 người học cấp I, cấp II có 4.030 người, 2.899 người học cấp III, trung cấp chuyên nghiệp 293 người, cao đẳng 321 người, đại học 583 người (năm 2009 chỉ có 72 em học cao đẳng, đại học). Với việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi cho trẻ 5 tuổi, số trẻ đến trường trong độ tuổi tiểu học và chuẩn phổ cập trung học cơ sở cũng được chú trọng. Mỗi năm đến mùa tựu trường cán bộ xã đều vận động gia đình người ĐBDTTS đưa con đến trường đúng độ tuổi. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 88/91 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục phổ thông (đạt tỷ lệ 96,7%).

 

Sau khi học xong, con em người ĐBDTTS còn được tạo việc làm tại địa phương. Đến nay, ĐBDTTS tại Bình Dương có 157 hộ là công chức - giáo viên, 869 hộ thương mại - dịch vụ, 688 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 5 hộ là cán bộ hưu trí… Ông Phan Ngọc Của, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, có thể thấy chất lượng giáo dục cho học sinh người ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã nâng lên, đáp ứng được một phần nguồn nhân lực phục vụ tại địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, gắn kết cơ sở đào tạo để làm sao các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều có cơ hội lập nghiệp, cống hiến sức mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên