Ngành điển ảnh Bình Dương:

Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

Cập nhật: 09-12-2016 | 10:42:11

Thời gian qua, Bình Dương đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển điện ảnh, trong đó có việc tổ chức chiếu phim, đưa văn hóa về cơ sở phục vụ vùng sâu, vùng xa ngày càng được tăng cường. Làm được điều đó ngoài nhiệm vụ chính trị, đầu tư cơ sở vật chất phải nói đến tâm huyết của những người làm trong ngành chiếu bóng tỉnh.

Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tại Nhà tù Phú Lợi là ngày đáng nhớ của những người làm trong ngành chiếu bóng tỉnh qua các thời kỳ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng các cô chú đã từng một thời “chung sống” với công việc chiếu bóng vẫn tập trung về Nhà tù Phú Lợi để họp mặt, giao lưu. Gặp nhau sau bao năm xa cách, họ hỏi thăm nhau cuộc sống, sức khỏe, con cháu. Rồi những chuyện xưa về năm tháng công tác cũng được nhắc lại qua lời kể của các cô chú. Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, buổi gặp mặt rất ý nghĩa giúp sở nắm được tình hình, cuộc sống của các cô chú trong ngành chiếu bóng. Từ đó, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về công việc này, nhất là thế hệ chiếu bóng Bình Dương hôm nay tiếp tục cuộc hành trình phục vụ sự nghiệp văn hóa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

Ông Lê Hữu Phước (thứ 4 từ trái sang), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thăm hỏi các cô chú trong ngành chiếu bóng

Nói về sự hình thành, phát triển ngành chiếu bóng tỉnh, ông Phạm Văn Quẩn, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh, cho biết năm 1966 tỉnh Sông Bé (cũ) đã thành lập 1 đội chiếu bóng có tên là T10. Đến năm 1968, Trung ương tăng cường thêm 1 đội chiếu bóng. Sông Bé lúc bấy giờ có 2 đội chiếu bóng cùng hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước. Đến năm 1976, thành lập Quốc doanh chiếu bóng trực thuộc Ty Văn hóa Sông Bé. Năm 1990, đổi tên thành Công ty Chiếu bóng. Năm 2007, chính thức thành lập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Bình Dương.  

“Điện ảnh là công cụ tuyên truyền đắc lực của Đảng và Nhà nước mang yếu tố gọn nhẹ thâm nhập sâu khắp các địa bàn dân cư. Ở những huyện đã đầu tư thiết bị chiếu phim lưu động, số lượt người xem phim tăng lên đáng kể. Nhờ đó, việc phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được đồng bộ kịp thời và đạt hiệu quả tích cực đến nhận thức của người dân”. (Ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh)

Cũng trong năm 2007, Luật Điện ảnh có hiệu lực, mở đường cho ngành điện ảnh Việt Nam có định hướng mới, giải tỏa được nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian truân của các đơn vị chiếu bóng trên toàn quốc. Riêng Bình Dương, thực hiện Luật Điện ảnh, tỉnh đã trang bị phương tiện vận chuyển, thiết bị kỹ thuật chiếu phim tương đối hiện đại với âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn, phù hợp với xu thế hiện nay, bảo đảm chất lượng phục vụ.

Từ dự kiến thành lập 4 đội chiếu phim lưu động trong giai đoạn 2009- 2015, hiện nay trên toàn tỉnh đã thành lập được 6 đội chiếu phim tại các huyện, thị như: huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, TX.Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An. Về cơ bản 6 đội chiếu phim tại các huyện, thị cùng với Đội chiếu phim lưu động cấp tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ các đối tượng dân cư trên các địa bàn. Đặc biệt, việc thành lập Đội chiếu phim cấp huyện tại Dầu Tiếng và Phú Giáo nơi có nhiều xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số và tại TX.Dĩ An nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lao động tập trung đã đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và đưa chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với nhân dân, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Năm 2013, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hàng năm, trung tâm phối hợp cùng trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch về thời gian và các điểm chiếu phim lưu động phục vụ không doanh thu ở các xã vùng sâu, vùng xa và tổ chức chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Bình quân mỗi năm, các trung tâm chiếu từ 125 đến 135 buổi. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện in sang và phát hành các phim tư liệu (do Cục Điện ảnh cung cấp) về phục vụ cơ sở.

THIÊN LÝ

 

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
VHTT&DL

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên