Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Cập nhật: 29-05-2019 | 11:14:00

Tính đến quý I-2019, trên địa bàn tỉnh đang quản lý 2.648 người nghiện ma túy, trong đó khoảng 80% người nghiện ma túy tổng hợp. Trước tình trạng trên, các ngành chức năng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng động, ổn định cuộc sống.


Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động trị liệu

Nỗ lực từ người cai nghiện

Khoảng hơn 10 ngày nữa, anh Diệp Sang T. (42 tuổi, ngụ phường Bình Nhâm, TX.Thuận An) sẽ hoàn thành việc chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc của Tòa án nhân dân tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Cơ sở cai nghiện). Đây là lần thứ 3 anh T. vào Cơ sở cai nghiện để cai nghiện ma túy.

Theo báo cáo tham luận của Công an tỉnh tại lễ ra quân tuyên truyền, phòng, chống ma túy gắn với thực hiện phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại TP.Thủ Dầu Một vừa qua, trong 5 năm qua (2014-2018), lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 2.106 vụ, 3.364 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 15,8kg ma túy đá, 1.553 viên thuốc lắc, 478g heroin, 1,6kg cần sa cùng nhiều vật chứng khác.

Qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra các vụ án cho thấy, tội phạm ma túy ngày càng phức tạp. Đối tượng thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, địa bàn có nhiều khu nhà trọ tập trung đông công nhân để ẩn náu và hoạt động phạm tội. Các chất ma túy mới được phát hiện liên tục và gây tác hại ngày càng cao. Người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa và chuyển dần sang sử dụng ma túy tổng hợp. Tỷ lệ tái nghiện chiếm tỷ lệ cao. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ án hình sự có liên quan đến người nghiện ma túy, thậm chí các vụ án giết người.

Trước đây, anh T. ở nhà phụ giúp công việc gia đình cùng cha mẹ. Trong những lần “trà dư tửu hậu”, anh bắt đầu “chơi” ma túy đá. Sau đó, gia đình phát hiện đã vận động anh đi cai nghiện. Sau khi ra trại, anh được gia đình và chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ ổn định cuộc sống. Trong khoảng thời gian này, anh T. lập gia đình và chăm chỉ làm ăn để lo cho mái ấm của mình. Một thời gian sau, anh và vợ xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Từ đây, anh T. tiếp tục đi vào con đường nghiện ngập ma túy.

Gặp chúng tôi trong Cơ sở cai nghiện, anh T. tâm sự: “Sau lần đầu tiên đi cai nghiện, tôi đã cố gắng đoạn tuyệt với ma túy đá để trở về cuộc sống lành mạnh. Nhưng cuộc sống gia đình không yên ấm cùng với việc bạn bè rủ rê đã khiến tôi quay lại với ma túy đá. Lần này đi cai, tôi được gia đình động viên rất nhiều. Để không phụ lòng họ, tôi cố gắng học tập và chấp hành các quy định trị liệu tại Cơ sở cai nghiện để nhanh về sớm để lo cho cha mẹ già neo đơn và thăm con gái”.

Trực tiếp tham gia điều trị cho học viên tại Cơ sở cai nghiện, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nhân viên phòng y tế, cho biết học viên sau khi được tiếp nhận, hoàn tất thủ tục theo quy định sẽ được đưa vào phòng cắt cơn trong thời gian từ 7 - 10 ngày. Sau khi cắt cơn xong, học viên có quyết định của tòa án sẽ được phân loại và bố trí vào khu ở thích hợp để ổn định sức khỏe, tinh thần và được tham gia học tập, giáo dục, lao động trị liệu phục hồi, tham gia học nghề và hướng nghiệp, rèn luyện các kỹ năng sống… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống.

“Khác với cai nghiện ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện… có sự hỗ trợ của thuốc cắt cơn, cai nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc hỗ trợ, chủ yếu sử dụng thuốc an thần để ổn định tâm lý người nghiện. Vì thế hiệu quả cai nghiện ma túy đá phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của bản thân họ”, chị Tuyết nói thêm.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Ông Đoàn Phước Hậu, Phó phòng Tư vấn - Giáo dục và Dạy nghề, Cơ sở cai nghiện, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đơn vị đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại các đối tượng. Cơ sở chú trọng phân theo nhóm, loại ma túy sử dụng, hồ sơ bệnh án, quá trình chấp hành pháp luật… để phân khu phù hợp nhằm bảo đảm công tác quản lý đạt hiệu quả, điều kiện học tập và sinh hoạt của học viên được bảo đảm. Để động viên học viên cai nghiện tốt trong quá trình thực hiện quyết định của tòa án, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị xét giảm thời gian chấp hành cai nghiện bắt buộc cho học viên theo quy định. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức dạy nghề để tạo điều kiện cho học viên có công việc ổn định. Kết quả trong năm 2018, đơn vị đã tổ chức cho 100 học viên học các nghề sửa xe máy, điện gia dụng và lái xe nâng”.

Trong khi đó, ông Bùi Công Khải, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cho biết sở đang phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch “Thành lập cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy ban đầu tại trung tâm y tế cấp huyện, thị, thành phố” nhằm thực hiện quy trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Dầu Tiếng được làm điểm thực hiện, sau đó sẽ đánh giá kết quả hoạt động và rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Để tăng cường thực hiện công tác này, Sở LĐTB&XH đang xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới Cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu xây dựng mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tuyến xã, huyện để người nghiện ma túy dễ dàng tiếp cận điều trị, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, giảm tình trạng quá tải về cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện. Ngoài ra, các mô hình giúp đỡ người nghiện sau cai trên địa bàn đang hoạt động rất hiệu quả, tạo điều kiện giúp đỡ, giúp họ kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình nhằm ổn định cuộc sống, góp phần giảm thiểu tình trạng tái nghiện.

“Công tác quản lý, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện tại các địa phương là việc làm thường xuyên và lâu dài, hết sức khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ này không phải chỉ riêng ngành LĐ-TB&XH mà đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của từng cá nhân và gia đình người nghiện... có như vậy mới góp phần kéo giảm tình hình người nghiện, tái nghiện trong tình hình người nghiện mới ngày càng nhiều như hiện nay”, ông Khải nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 tỉnh, tính đến tngày 15-2-2019, trên địa bàn tỉnh đang quản lý 2.648 người nghiện ma túy (tăng 80 người so với cùng kỳ năm 2018), trong đó số người nghiện ngoài xã hội là 1.598 người; trong trại tạm giam, các nhà tạm giữ là 350 người và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là 750 người.

Đáng nói, trong tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, số người nghiện ma túy đá hơn 2.000 người, chiếm khoảng 80%. Trong khi đó, người sử dụng ma túy đá nếu muốn cai nghiện phải mất thời gian rất dài, tỷ lệ thành công rất thấp bởi não bộ của họ bị tổn thương nặng.

Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 786/2019/QĐ-BYT ngày 1-3-2019 về việc “Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine” (gọi tắt là Quyết định 786). Theo đó, Quyết định 786 đã đưa ra phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội. Với phác đồ này, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân hiểu về sự độc hại của ma túy tổng hợp, đồng thời thiết lập mục tiêu cuộc sống, tập trung, phát triển những điểm tốt của bản thân để thêm quyết tâm cai nghiện. Đặc biệt, Quyết định 786 còn nêu cao vai trò của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc hỗ trợ cai nghiện, giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, không tiếp tục bị cám dỗ, tái sử dụng ma túy.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên