Nâng cao năng lực cán bộ môi trường ở cơ sở: Việc làm quan trọng và cần thiết

Cập nhật: 18-12-2014 | 08:46:08

Với xu thế toàn cầu hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực, trong đó phải kể đến là vấn đề ô nhiễm môi trường. Và ô nhiễm môi trường thường diễn ra trực tiếp tại cơ sở. Chính vì thế, nâng cao năng lực cán bộ môi trường ở cơ sở là việc làm rất quan trọng và cần thiết.

 Đào tạo cán bộ môi trường cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực về công tác BVMT. Trong ảnh: Tiến sĩ Huỳnh Chức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh trao bằng khen của nhà trường cho những sinh viên có thành tích học tập tốt Ảnh: H.ÁI

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ phụ trách môi trường tại Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), phân tích trên thực tế, hầu hết thông tin phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đều xuất phát từ cấp cơ sở, có liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thực của người dân. Nắm bắt vấn đề cụ thể, cán bộ môi trường cấp cơ sở có thể trực tiếp xử lý, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất lên cấp huyện, cấp tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo và đề ra các giải pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh bám sát địa bàn, cán bộ môi trường cấp cơ sở còn trực tiếp tham mưu UBND cấp xã thực hiện nhiều nhiệm vụ về BVMT. Bà Nguyễn Thị Minh Nhựt, Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục BVMT, cho biết cán bộ môi trường cấp cơ sở còn tham gia ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của chủ dự án về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức đăng ký bản cam kết BVMT; tham gia ý kiến bằng văn bản vào nội dung báo cáo kết quả thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản; áp dụng biện pháp xử lý đối với chủ công trình, phương tiện vận tải vi phạm quy định về BVMT (công trình xây dựng trong khu dân cư không có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; vận chuyển vật liệu xây dựng không được thực hiện bằng các phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật làm rò rĩ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường; nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác không được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường).

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cán bộ môi trường cấp cơ sở còn xử lý các hành vi vi phạm về BVMT ở nơi công cộng; quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về BVMT; thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường; công bố, cung cấp, công khai thông tin, dữ liệu về môi trường; thu, nộp, quản lý và sử dụng phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng… Ngoài ra, cán bộ môi trường cấp cơ sở còn có vai trò rất quan trọng trong công tác phối hợp với cấp huyện, cấp tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác BVMT, như: thanh, kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tham gia thẩm định địa điểm đầu tư và có ý kiến về mặt môi trường đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Nhờ xác định nhiệm vụ nên cán bộ môi trường cấp cơ sở luôn phát huy vai trò một cách rõ nét. Nguyên nhân dễ thấy đó là thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp tăng cường bổ sung nhân lực làm công tác BVMT cho cấp huyện, cấp xã và đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách cấp xã. Để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước cấp cơ sở trong lĩnh vực BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành và trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh khai giảng lớp cao đẳng Quản lý môi trường với sự tham gia của 82 sinh viên. Hơn 3 năm đào tạo, có 67 sinh viên ra trường. Hầu hết sinh viên ra trường đều là cán bộ môi trường cơ sở. Nhờ kết hợp lý luận với thực tiễn, cán bộ môi trường cấp cơ sở đều đảm đương hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và theo đó, hiện có 5/9 huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành ủy quyền cho cấp xã, gồm Thuận An, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và Phú Giáo.

Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ môi trường cấp cơ sở, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết trước mắt, ngành sẽ phối hợp các địa phương làm tốt công tác bố trí cán bộ đã được đào tạo làm đúng nhiệm vụ về môi trường; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các văn bản pháp luật về BVMT cấp cơ sở. Nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, hướng dẫn cấp xã trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Có như thế, công tác BVMT sẽ góp phần vì sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.

 

 HOÀNG ÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên