Nâng cao tay nghề cho công nhân lao động

Cập nhật: 23-09-2019 | 08:08:24

 Nâng cao tay nghề cho công nhân lao động (CNLĐ) bằng các hình thức như “cầm tay chỉ việc” tại nhà xưởng, mời chuyên gia về đào tạo, thi tay nghề, liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… từ đó, giúp các doanh nghiệp (DN) chủ động được nguồn lao động có tay nghề để ổn định sản xuất.

 Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam tổ chức thi tay nghề cho CNLĐ

 Tự đào tạo tại DN

Đến với Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bao bì Thanh Thủy (KCN VSIP I), chúng tôi cảm nhận được tinh thần làm việc hăng say, không mệt mỏi của hơn 300 cán bộ, CNLĐ nơi đây. Họ luôn làm việc khẩn trương để hoàn thành sớm nhất công việc của mình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Điệp, công nhân đóng gói của công ty, cho biết mọi người xem công ty như “ngôi nhà thứ hai” nên cố gắng làm việc để xây dựng công ty ngày càng phát triển.

 “Chúng tôi luôn khuyến khích các công đoàn cơ sở phối hợp DN nâng cao tay nghề cho CNLĐ. Công nhân được nâng cao tay nghề sẽ có những vị trí công việc mới, mức lương cao nên họ rất phấn khởi. Về phía DN có được đội ngũ lao động có tay nghề tại chỗ không phải cạnh tranh tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất”.

(Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

Anh Đồng Văn Thế, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, công ty không phải mất nhiều thời gian, công sức để đi tuyển dụng lao động có tay nghề mà tự đào tạo. Anh Thế giải thích, Ban giám đốc công ty luôn khuyến khích, động viên công nhân tự học hỏi để nâng cao tay nghề của mình. Cũng nhờ đó, công ty luôn có đội ngũ công nhân năng động, siêng năng. Sau một thời gian làm công nhân ở các chuyền, quản lý sẽ lựa chọn những người giỏi, nhanh nhẹn lên danh sách để đào tạo thêm về kỹ thuật giúp họ tự tin vận hành máy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Cũng tự đào tạo tay nghề cho CNLĐ, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TX.Dĩ An) thường xuyên mời các chuyên gia về dạy nghề cho công nhân. Mỗi đợt tập huấn, các công nhân có thêm kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ban giám đốc công ty khẳng định để đáp ứng nhu cầu sản xuất, DN phải có đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển dụng lao động có tay nghề rất khó. Trong khi đó, khách hàng luôn yêu cầu, đặt hàng những mẫu mã mới nên công ty phải liên tục nhập thêm các máy móc hiện đại. Trước nhu cầu cấp bách đó, công ty đã tự đào tạo bằng cách mở các lớp đào tạo tay nghề cho công nhân với sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Thi tay nghề và liên kết đào tạo

Một việc làm thiết thực để nâng cao tay nghề cho CNLĐ chính là tổ chức thi tay nghề. Việc làm này hiện nay được các công ty áp dụng để có cơ sở nâng bậc lương cơ bản, nâng bậc tay nghề, kỹ năng cho CNLĐ. Hơn 2 năm nay, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN VSIP I) đã tổ chức cho hơn 40% CNLĐ của công ty thi tay nghề, trong đó có 30% đạt chuẩn và được nâng lương.

“Hơn 5.000 CNLĐ để tổ chức thi tay nghề 3 tháng/lần là điều không dễ dàng nhưng với quyết tâm, nỗ lực Ban giám đốc Công ty Apparel Far Eastern đã duy trì thường xuyên”, chị Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch công đoàn công ty, Chủ quản cao cấp xưởng 1, chia sẻ. Chị Duyên cho biết sau mỗi đợt thi tay nghề, công nhân lại có thêm kinh nghiệm và sẽ được tăng lương khi đạt các yêu cầu của ban tổ chức đưa ra. Công nhân tham gia thi rất đông, mỗi đợt có hơn 50 người đăng ký. Lợi từ hai phía nên việc thi tay nghề sẽ được duy trì.

Ngoài việc tổ chức hội thi tay nghề cho CNLĐ, nhiều DN đã chủ động liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mời giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến công ty mở khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động theo từng khâu, từng công đoạn nhằm từng bước chuyên môn hóa, bắt kịp tốc độ làm việc của tập thể.

Tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị này đã hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân của 10 DN với gần 140 người học. Còn tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, trường thường xuyên hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu DN. Khi DN có mong muốn đào tạo nghề cho công nhân, họ sẽ cử công nhân đến học trực tiếp tại trường hoặc giáo viên xuống nhà xưởng hướng dẫn thêm về kỹ thuật.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên