Nâng cao vai trò của các quỹ ngoài ngân sách Nhà nước

Cập nhật: 27-03-2015 | 09:16:21

Theo đánh giá chung của Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh tại buổi giám sát tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách địa phương giai đoạn 2012-2014 vừa qua, nhiều quỹ ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) đang hoạt động chưa hiệu quả, cần cấp thiết thay đổi.

Nhiều quỹ hoạt động chưa hiệu quả

Theo bà Trần Thị Kim Vân, Trưởng ban KT-NS HĐND tỉnh, trong 3 năm qua, bên cạnh một số quỹ thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ được giao vẫn có nhiều quỹ hoạt động yếu kém. Cụ thể, từ năm 2012, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) được ngân sách tỉnh cấp 50 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đến cuối năm 2014, dư nợ đạt chưa đến 15 tỷ đồng, bằng 30% tổng vốn hiện có; Quỹ Bảo vệ môi trường cũng không ngoại lệ, lũy kế đến năm 2014 vốn từ ngân sách tỉnh cấp 131,25 tỷ đồng nhưng dư nợ đến nay dừng lại ở con số 36,5 tỷ đồng, bằng 27,86% so với tổng vốn hiện có.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho vay hộ nghèo tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.HỒNG

Quỹ Phát triển nhà ở cũng không khá hơn. Năm 2011, nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở như cán bộ, công chức..., các đối tượng tái định cư và các đối tượng thu nhập thấp khác, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Quỹ Phát triển nhà ở. Đến cuối năm 2014, lũy kế số vốn tỉnh cấp cho quỹ là 350 tỷ đồng nhưng đến nay, quỹ này cũng chưa cho vay được dự án đầu tư nào.

Hay Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cũng chưa có dự án nào được vay. Ngoài ra, còn có một số quỹ khác như Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất… đều trong tình trạng giải ngân nguồn vốn thấp, mức tồn quỹ vốn điều lệ hàng năm của một số quỹ cao, kéo dài nhiều năm đã làm hạn chế hiệu quả hoạt động và ý nghĩa thành lập quỹ.

Vướng nhiều thứ

Trả lời câu hỏi chất vấn của các thành viên Ban KT-NS HĐND tỉnh về tình trạng “vốn treo”, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết, do hạn chế về phương tiện đi lại, quỹ không có xe phục vụ công tác đi thẩm định dự án vay vốn, kiểm tra vốn… Mỗi lần đi công tác, đơn vị phải mượn xe của Liên minh HTX hoặc thuê xe bên ngoài, từ đó gây khó khăn cho hoạt động. Bên cạnh đó, việc cho vay chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan khác như việc lập phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư và tài sản bảo đảm vay vốn ở hầu hết HTX chưa đáp ứng yêu cầu. Kế đến là đối tượng cho vay của quỹ quá ít, chỉ giới hạn trong phạm vi cho vay là HTX có đủ tư cách pháp nhân - xã viên mà không mở rộng ra các nhóm đối tượng có nhu cầu vay khác như tổ hợp tác khiến người vay khó hội đủ điều kiện tiếp cận vốn hỗ trợ.

10 quỹ ngoài NSNN gồm: Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ Giải quyết việc làm, Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương, Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

Giải thích nguồn vốn cho vay ì ạch vì nhiều lý do khách quan, ông Lê Văn Thành, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương cho biết, khó khăn cụ thể trong quá trình hoạt động, đối tượng cho vay theo Nghị định 37 (ban hành năm 2013) đã thu hẹp so với Nghị định 138 (năm 2007) dẫn đến một số khách hàng truyền thống uy tín của quỹ không thể tiếp tục hợp tác với quỹ khi có nhu cầu vay vốn, gây sức ép cho quỹ trong việc tìm kiếm và lựa chọn khách hàng mới có dự án đầu tư khả thi, hiệu quả, có khả năng hoàn trả nợ đúng hạn và đúng đối tượng theo quy định để xem xét thẩm định cho vay. Ông Thành cũng cho rằng, quy định quỹ không được phép cho vay vốn lưu động nên không quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp, gây khó khăn trong theo dõi thu nợ, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư…

Hiện có 3 quỹ được đánh giá hoạt động khá hiệu quả và có kết quả hỗ trợ cụ thể các đối tượng là Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Giải quyết việc làm và Quỹ Khoa học công nghệ nhưng 3 quỹ này đều có những vướng mắc nhất định. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, quy định hồ sơ thủ tục vay quá nhiêu khê khiến việc thẩm định, giải ngân trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Theo bà Nhung, trong khi thủ tục hồ sơ thẩm định cho vay của các ngân hàng thương mại ngày càng đơn giản, tinh gọn thì quy trình thẩm định cho vay tín chấp của quỹ lên đến 16 thủ tục bao gồm các nội dung, biểu mẫu hồ sơ của hộ vay.

Sắp xếp lại các quỹ cho phù hợp

Để Quỹ ngoài NSNN thực sự mang lại lợi ích cho xã hội như mục tiêu Nhà nước mong muốn, ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban KT-NS cho rằng, khung pháp lý quy định rõ về quyền lợi và trách nhiệm, của Hội đồng Quản lý quỹ. Tuy nhiên, ông lưu ý, các giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện tình hình vay vốn của DN thông qua các quỹ dường như vẫn còn yếu là điều đáng quan tâm.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, thành viên giám sát Ban KT-NS HĐND tỉnh cho rằng, đã nhiều tháng, các quỹ ngoài NSNN đang rất dồi dào vốn. Hầu hết các quỹ đều đang thừa tiền, thậm chí là thừa nhiều tiền phải gửi ngân hàng. Thế nhưng, lại có tình trạng nhiều DN khát vốn, xếp hàng chờ duyệt vay cũng không được chú ý; khâu thẩm định của quỹ lại chỉ đánh giá tài sản thế chấp. Đã thiếu tài sản thế chấp, lại bị đánh giá thấp tài sản hình thành trong tương lai, DN càng không thể trông cậy vào vốn quỹ. Theo ông Nghĩa, để tránh lãng phí nguồn ngân sách, nên chăng cần có sự điều chỉnh quy chế cho vay, quy chế hoạt động. “Một mặt vừa giải ngân nguồn vốn ngân sách, DN bớt khó khăn, quỹ có lợi nhuận. Thứ hai, với những tồn tại trên, có lẽ cần xem xét đến việc liệu rằng ngân sách tỉnh có nên tiếp tục rót vốn vào các quỹ này hay không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Bà Trần Thị Kim Vân, Trưởng ban KT-NS HĐND tỉnh nhấn mạnh, nguyên nhân của những tồn tại yếu kém do nhiều nguyên nhân, công tác quản lý của các quỹ chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, chưa kịp thời phát hiện khó khăn, bất cập để tham mưu cho UBND tỉnh. Việc tham mưu của một số cơ quan chức năng cho UBND tỉnh trong việc tăng vốn điều lệ, cấp dự toán một số quỹ còn chưa hợp lý. Chính vì vậy, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, Ban KT-NS HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đánh giá toàn diện hoạt động của các quỹ. Qua đó, tỉnh cần kịp thời điều chỉnh, sắp xếp lại các quỹ cho phù hợp với quy định của Trung ương và thực tiễn địa phương; chỉ đạo công khai các quỹ có nguồn vốn từ NSNN; đồng thời nghiên cứu rà soát cụ thể về cơ chế quản lý tài chính sao cho phù hợp với đặc thù của từng quỹ…

Bà Trần Thị Kim Vân, Trưởng ban KT-NS HĐND tỉnh cho biết, theo Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 22-11-2014 về viêc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại khoản 3 của Chỉ thị nêu rõ: “Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc Nhà nước vào một mối là Ngân hàng Chính sách xã hội”… Vì vậy, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét, tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay các đối tượng trên địa bàn, nhằm tránh cho vay trùng lắp đối tượng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên