Nâng chất ngành nông nghiệp Bình Dương- Kỳ 2

Cập nhật: 14-11-2018 | 11:05:47

Kỳ 2: Đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đến gần với người dân

Phát biểu tại lễ khai mạc Phiên chợ nông sản an toàn năm 2018, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định với việc áp dụng những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC), trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm.

 Khách hàng mua sắm tại Phiên chợ nông sản an toàn năm 2018. Ảnh: TIỂU MY

Thị trường địa phương còn bỏ ngỏ

Tuy nhiên, ông Bông thừa nhận hiện đầu ra cho nông sản an toàn và cách tiếp cận thị trường của các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người dân vẫn băn khoăn khi chọn mua nông sản an toàn, trong khi nhiều nông sản sạch vẫn loay hoay tìm cách tiếp cận thị trường. Cùng với đó, có không ít kênh phân phối truyền thống vẫn còn lẫn lộn những nông sản không an toàn khiến khách hàng chưa an tâm.

Ghi nhận tại chợ đầu mối hoa quả Bình Điềm (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) cho thấy, hoa quả nhập về chợ đa phần là từ các vùng lân cận, các sản phẩm nông nghiệp CNC của địa phương còn ít. Trao đổi vấn đề này với các chủ sạp trái cây tại chợ, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là do “Giá bưởi, cam của Bình Dương quá cao, rất khó bán?”. Theo tìm hiểu, hiện bưởi da xanh loại 1 bán tại chợ Bình Điềm dao động từ 30.000 - 35.000/kg, cam sành loại 1 dao động từ 12.000 - 15.000/ kg. Trong khi đó, tại Phiên chợ nông sản an toàn năm 2018 đã diễn ra, giá bưởi Hiếu Liêm loại 1 được bán với giá 50.000 đồng/kg, cam sành loại 1 là 30.000 đồng/kg; các sản phẩm rau quả tại chợ Bình Điền có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, tại Phiên chợ nông sản an toàn 20.000 đồng/kg…

Lý giải về nguyên nhân giá các loại bưởi, cam của xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cao hơn so với mặt bằng chung, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu vào rất cao nên khó có thể bán theo giá đại trà ngoài chợ. Ông cũng thừa nhận việc cam, bưởi Hiếu Liêm hiện nay khó ra thị trường chợ đầu mối địa phương do chưa thể cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng chủng loại của vùng lân cận. Bưởi Hiếu Liêm hiện nay chủ yếu xuất đi nước ngoài và các địa phương khác trong nước. Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao bưởi da xanh Hiếu Liêm ít có mặt tại các siêu thị, ông Tuấn cho rằng hiện nay, những trang trại, doanh nghiệp lớn đã có thị trường tiêu thụ ổn định, còn đối với nhà vườn thì chủ yếu bán cho thương lái. Nguyên nhân mặt hàng này vào siêu thị còn ít một phần cũng do bà con ngại các thủ tục, cùng với đó sản lượng tiêu thụ tại các siêu thị không lớn…

Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại địa phương

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những khó khăn hiện nay của lĩnh vực nông nghiệp CNC là vấn đề thị trường. Nguyên nhân khó khăn trước hết là do quy mô sản xuất của nhiều cơ sở, gia đình sản xuất nông nghiệp CNC chưa đủ lớn nên không bảo đảm hợp đồng tiêu thụ ổn định tại các chợ đầu mối lớn. Bên cạnh đó, các dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp phục vụ cho nông nghiệp CNC chưa được sản xuất tại chỗ, còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao...

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở địa phương, việc giá nông sản cao không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc họ chưa tiếp cận được với sản phẩm an toàn, mà là do sản phẩm nông nghiệp CNC ít được bày bán tại các chợ. Một điều quan trọng là người mua vẫn chưa phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn, có nguồn gốc tại địa phương, trừ khi họ trực tiếp đi mua tại nhà vườn và các cơ sở sản xuất tại địa phương...

Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế là tỉnh công nghiệp, dân số đông, đối với sản phẩm nông nghiệp CNC Bình Dương nên chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, tránh lệ thuộc vào thương lái dẫn đến những tình huống “vỡ trận” nông sản như xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua hoặc gặp rủi ro khi có sự thay đổi về chính sách thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước. Thêm vào đó, các ngành chức năng, các trang trại, nhà vườn trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sản phẩm an toàn.

Theo mục tiêu xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, 3 đối tượng chính được phục vụ trong thành phố thông minh là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong số này, người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện; được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội... Theo các chuyên gia, được thụ hưởng những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe con người cũng là một nỗ lực của Bình Dương trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh.

Hiện nay, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp CNC đang được tỉnh Bình Dương khuyến khích để phát triển, bởi đây không chỉ là những mô hình hiện đại, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất vốn đang ngày càng thu hẹp mà còn tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng và có năng suất cao. Hiện trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp CNC của tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Cụ thể là tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh đạt từ 80 - 100%, 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất...

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên