Nâng đãi ngộ với học sinh học nghề

Cập nhật: 13-07-2019 | 08:22:42

Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2019- 2020 với trên 9.600 học sinh (HS) trúng tuyển. So với số HS dự thi, toàn tỉnh có gần 5.000 HS không đủ điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, phải theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường THPT dân lập hoặc học nghề theo chủ trương phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Đồng ý cho con học nghề theo chủ trương phân luồng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn vì một số trường nghề hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của HS vừa học nghề, vừa học văn hóa!

Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự chuyển biến tích cực và còn khá xa so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân được chỉ ra là do còn thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp và khuyến khích HS tham gia học nghề. Trong khi đó, việc lựa chọn nghề nghiệp của HS còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình nên hiệu quả đem lại chưa cao. Cùng với đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật, đặc biệt hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuy có đổi mới nhưng chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với HS, nhất là HS mới tốt nghiệp THCS.

Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS không hiệu quả sẽ dẫn đến mất cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu nguồn nhân lực. Thực tế tại nhiều nước cho thấy nguồn nhân lực càng cao càng nhọn, thể hiện nguồn nhân lực trình độ cao, lao động gián tiếp ít hơn lao động trực tiếp. Ở Việt Nam thì ngược lại. Hệ lụy là nhiều người học xong đại học không tìm được việc làm, trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Đây là sự lãng phí lớn không chỉ với cá nhân người lao động mà còn góp phần làm mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng thấp, thu nhập thấp. Hệ lụy rộng hơn là kinh tế - xã hội chậm phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta từng có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chọn nghề, học nghề và theo nghề là cả một quá trình dài. Để tạo sự chuyển biến tích cực trong phân luồng HS, từng bước làm thay đổi tư duy của phụ huynh và khuyến khích HS, đặc biệt là HS mới tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, việc phải làm trước tiên là nâng sự đãi ngộ đối với HS tham gia học nghề. Nâng sự đãi ngộ đối với HS tham gia học nghề ngoài vật chất còn là cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu của HS vừa học nghề, vừa học văn hóa để có thể liên thông lên đại học. Cùng với đó, cần nhanh chóng thay đổi cách tuyển dụng căn cứ vào năng lực của người lao động và đặc thù công việc, thay vì tuyển dụng nặng về bằng cấp như hiện nay. Tôn vinh người lao động cũng là giải pháp từng bước thay đổi nhận thức của HS, phụ huynh về học nghề.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để phân luồng HS đạt hiệu quả, thiết nghĩ cánh cửa đại học cần khép bớt lại, không nên để quá rộng như hiện nay

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên