Với thời tiết nóng bức như hiện nay, những bệnh nhân bị tim mạch, huyết áp nếu bực tức, nóng giận thì rất dễ đột quỵ
Một ca cấp cứu đột quỵ ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM)
Cứ vào tháng 3, tháng 4 là bà L.T.B (57 tuổi, ngụ Quảng Bình) lại vào TPHCM thăm cháu. Mới giữa tuần rồi, tại nhà người con út (ngụ quận Gò Vấp), trong khi mọi người đều đi làm, bà B. ở nhà lên cơn đột quỵ, té ngã trong toa lét.
Người trẻ cũng dễ bị
Nhờ được phát hiện và cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện 175, bà B. chỉ bị tai biến nhẹ.
Ông L.K.T (49 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM), có thói quen chơi quần vợt giữa trưa nắng cùng bạn bè với mong muốn rèn luyện sức khỏe, giảm cân. Mới đây, trong một lần cùng chiến hữu uống vài chai bia giải khát sau trận cầu, ông T. đi vệ sinh nhưng rồi nằm sóng soài trong toa lét, miệng méo, người trắng bệch.
Mới nhất là trường hợp anh T.H.M (41 tuổi, ngụ quận 5 - TPHCM), bán hủ tiếu trước cổng Bệnh viện Nguyễn Trãi. Còn trẻ, khỏe mạnh, khó tin anh M. bị đột quỵ. Thế mà lúc 10 giờ, khi đang phụ vợ bán hủ tiếu thì anh xây xẩm rồi té ngã ra đường. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay song bệnh tình anh M. khá nặng, phải hồi sức tích cực.
Tại TPHCM những ngày qua, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng. Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trong tháng 3, bệnh viện đã điều trị nội trú 134 ca đột quỵ nặng nhưng chỉ chưa đầy 3 tuần đầu của tháng 4, số ca mắc bệnh này đã lên đến gần 100. Chưa kể hiện mỗi ngày, bệnh viện này khám ngoại trú cho khoảng 220 bệnh nhân về tim mạch, tăng huyết áp và 400 bệnh nhân tai biến mạch máu não, đái tháo đường, di chứng não…
“Vài năm trước ít thấy nhưng nay tần suất mắc bệnh tai biến, đột quỵ ở người 30-40 tuổi ngày càng nhiều”- bác sĩ Vũ cho biết.
Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, cũng cho biết hiện số bệnh nhân nhập viện do tai biến, đột quỵ tăng 20%-30% so với ngày thường (7-10 ca/ngày). Số người trẻ mắc bệnh cũng tăng, chiếm tỉ lệ 20%-30%. Khoa Nội thần kinh có 54 giường nhưng bị quá tải mà trong đó 2/3 là tai biến mạch máu não.
Cần xử trí nhanh
Theo GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, đột quỵ là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh xảy ra đột ngột. Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong hoặc bị các di chứng như yếu liệt chân tay hoặc yếu liệt nửa người, giảm thị lực…
Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ cho biết nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, thường do cục máu đông trong tim hay mảng xơ vữa trong mạch máu gây tắc mạch não. Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, dẫn đến thiếu máu cho vùng não do mạch máu đó chi phối. Nguyên nhân thường gặp do cơn cao huyết áp, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông. Với thời tiết nóng bức như hiện nay, những bệnh nhân vốn bị tim mạch, huyết áp nếu bực tức, nóng giận thì rất dễ đột qụy.
Cách phòng ngừa đột quỵ là phát hiện cao huyết áp sớm và chữa cao áp huyết tốt, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình cao áp huyết và bệnh tim mạch; điều trị rối loạn nhịp tim; giảm cholesterol trong máu; ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả; phát hiện và điều trị đái tháo đường; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu; không dùng các chất kích thích hoặc ma túy; thường xuyên vận động và tập luyện. Cần hạn chế ra đường vào buổi trưa, tránh tắm đột ngột sau khi từ ngoài đường về nhà hay sau khi làm việc quá sức…
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý đột quỵ có thể chữa trị nếu người nhà bệnh nhân biết xử trí đúng, sớm đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Chớ thấy người nhà bị té xỉu do đột quỵ nhưng cứ tưởng là trúng gió nên để ở nhà và cạo gió hay điều trị theo kinh nghiệm dân gian, vô tình khiến cơ hội sống của bệnh nhân đột quỵ, tai biến mạch máu trôi qua.
Theo NLĐ