Nắng nóng: Dễ rối loạn thân nhiệt

Cập nhật: 20-04-2013 | 00:00:00
“Khi cơ thể chúng ta không còn tiết đủ mồ hôi để làm hạ thân nhiệt thì tình trạng rối loạn thân nhiệt sẽ trở nên cấp tính và tính mạng rất dễ bị đe dọa do đột quỵ”.

 Dưới thời tiết nắng nóng, nếu phải làm việc lâu, đi đường xa hoặc tập luyện thể thao ngoài trời... tất nhiên là thân nhiệt sẽ tăng cao vượt mức bình thường, nhất là với người già và trẻ em. Đấy là khi mồ hôi không thể bốc hơi được để làm giảm nhiệt độ khiến cho cơ thể của bất kỳ ai cũng có nguy cơ rối loạn. Y học gọi trường hợp này là rối loạn thân nhiệt. Về thực chất, đấy là sự rối loạn ở khu trung tâm điều hòa nhiệt độ cơ thể, nơi có chức năng điều phối nhiệt độ.    Trẻ em vui chơi lâu dưới nắng nóng gay gắt sẽ rất dễ bị rối loạn thân nhiệt Ảnh: DIỆU HỒNG

Không tự ý chích, lể

Trong các biểu hiện của rối loạn thân nhiệt, dễ gặp nhất chính là tình trạng vọp bẻ xuất hiện đột ngột ở các cơ gây đau đớn, thường thấy nhất là ở bàn tay, cơ bắp chân, bàn chân…

Nếu rối loạn thân nhiệt nặng hơn thì cơ thể chúng ta sẽ dễ suy kiệt với biểu hiện mồ hôi ra như tắm. Chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu; nặng hơn một chút thì biểu hiện là da lạnh, tái xanh và lú lẫn. Nếu cơ thể bị mất nước nhiều qua mồ hôi thì sẽ rất dễ tụt huyết áp dẫn đến bất tỉnh. Suy kiệt cơ thể do nhiệt tuy là rối loạn thường gặp nhưng không kém phần nguy hiểm cho tính mạng. Cách đơn giản nhất khi chúng ta thấy có người bị rơi vào tình trạng suy kiệt do nắng nóng là phải đưa họ vào nằm nơi mát mẻ hoặc có bóng râm, nằm trong tư thế đầu hơi thấp, lau mát da bằng khăn lạnh và cho uống nước đường pha muối.

“Thực ra việc phòng ngừa rối loạn thân nhiệt là không khó. Cụ thể là khi đi ngoài trời nắng nóng chúng ta phải đội mũ rộng vành, mặc áo kín tay, tránh vận động thể lực hoặc lao động kéo dài trong môi trường nắng nóng; nên uống nhiều nước, tốt nhất là có thêm nước muối pha loãng hoặc nước giải khát có muối (chanh muối); chủ động làm mát da khi có sốt hơn bình thường. ”

Khi cơ thể chúng ta không còn tiết đủ mồ hôi để làm hạ thân nhiệt thì tình trạng rối loạn thân nhiệt sẽ trở nên cấp tính và tính mạng rất dễ bị đe dọa do đột quỵ. Triệu chứng của đột quỵ dễ thấy nhất là nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, da đỏ nóng, nhịp tim tăng cao (160 - 180 lần/phút). Nếu nặng thì người bệnh sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn, co giật do sốt cao rồi hôn mê. Lúc này rất dễ có biến chứng tổn thương não dẫn đến tử vong.

Gặp trường hợp này, chúng ta phải khẩn trương cho bệnh nhân vào nơi mát và lau ướt hoặc làm lạnh cơ thể bằng nước mát, nước đá rồi đưa đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không tự ý chích, lể… để cấp cứu.

Chống nóng bằng dược thiện

Trong y học cổ truyền, chúng ta có một số món ăn có công dụng thanh nhiệt giải độc, rất thích hợp trong thời tiết nắng nóng. Nếu có điều kiện, chúng ta nên áp dụng cho gia đình.

- Đậu xanh hầm rong biển: Lấy 50g rong biển rửa sạch, ngâm cho nở rồi cắt nhỏ; 50g đậu xanh ngâm trong nước ấm. Nấu cháo gạo cho đến lúc sôi thì cho đậu xanh vào, khi thấy đậu xanh nở hết thì cho rong biển vào và nêm gia vị vừa khẩu vị.

- Đậu đỏ hầm kim ngân hoa: Vo sạch chừng 100g gạo rồi lấy khoảng 20g kim ngân hoa và 50g đậu đỏ ngâm vào nước ấm chừng 10 phút. Cho gạo, đậu đỏ cùng nước vào nồi nấu cho nhừ thì cho tiếp kim ngân hoa vào.

Lương y HOÀNG CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=529
Quay lên trên