Nâng tầm dịch vụ để phát triển bền vững

Cập nhật: 06-05-2016 | 08:00:05

Sáng qua (5-5), UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thông qua Chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong những chương trình hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nhà trong chặng đường 5 năm tới cũng như những năm kế tiếp.

 Nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển là vấn đề mà Bình Dương đã coi trọng từ những năm trước. Trong giai đoạn 2011- 2015, thực hiện Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 281 của UBND tỉnh, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan về nhiều mặt. Trong đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư phát triển du lịch; hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; các dịch vụ mới, cao cấp… tiếp tục phát triển nhanh, mạnh. Đặc biệt, các lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống siêu thị, bưu chính viễn thông, hải quan, thuế, y tế, giáo dục, phát triển đô thị… đã có sự phát triển khá đồng bộ và đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, một số lĩnh vực dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, trong từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 5 năm tới, khi Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì dịch vụ cần phải nâng tầm để theo kịp sự phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng dịch vụ một cách toàn diện đang đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao độ. Bằng chương trình hành động đã được vạch ra, ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đòi hỏi các ngành, các cấp, các doanh nghiệp vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất có thể. Trên từng lĩnh vực dịch vụ, từ hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, cho đến thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch, y tế, giáo dục… đang đòi hỏi sự đầu tư lớn từ các nguồn lực mới mong đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Một thành phố văn minh, hiện đại, đáng sống thì không thể thiếu dịch vụ chất lượng cao. Một thành phố thông minh đang hướng tới lại càng đòi hỏi cao hơn về các lĩnh vực dịch vụ. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế cuộc sống của địa phương đang đòi hỏi vậy!

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên