Nâng tầm doanh nhân - doanh nghiệp Việt

Cập nhật: 09-10-2015 | 08:25:58

Ngày 5-10 vừa qua, đại diện của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp báo và tuyên bố đàm phán kết thúc thành công. Cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam rất phấn khích khi đón nhận thông tin này.

Với kết quả đàm phán đạt được, Hiệp định TPP kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước tham gia hiệp định. Và Việt Nam là nước có nhiều lợi ích nhất từ TPP. Theo đó, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% và GDP của nước ta cũng sẽ tăng thêm 10,5%, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD trong 10 năm tới.

Khi tham gia Hiệp định TPP, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và nông sản. Dự báo Việt Nam sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho người lao động…  Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định TPP sẽ tạo ra sức ép không nhỏ trong việc đổi mới, cạnh tranh… đặc biệt là phải chủ động nâng tầm doanh nhân - doanh nghiệp, giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, nông sản, dệt may sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất. Nhưng Việt Nam sẽ đối mặt với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Đây là trận tuyến thương trường rất khốc liệt mà tất cả doanh nhân - doanh nghiệp phải đối mặt. Hiệp định TPP với những cam kết ở trình độ cao đòi hỏi doanh nhân - doanh nghiệp Việt phải phấn đấu nâng tầm; đồng thời Nhà nước phải quan tâm cải cách luật pháp để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, trình độ nguồn nhân lực… Trong đó, vấn đề hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Đây là thách thức lớn nhất của doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP.

Với việc nước ta tham gia Hiệp định TPP, cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; có ý thức xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh về giá cả và chất lượng với hàng ngoại. Đồng thời doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm hàng hóa, góp phần tạo uy tín, nâng tầm doanh nhân khi tham gia “sân chơi” TPP vốn nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.  

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên