Ném chuột đừng sợ vỡ bình

Cập nhật: 24-07-2014 | 00:00:00

Bóng đá Việt Nam lại một lần nữa đối diện với cơn bão tiêu cực mà lần này sức tàn phá có thể còn ghê rợn hơn nhiều so với vụ cá độ tại CLB V.Ninh Bình vừa được triệt phá cách đây ít tháng và chuẩn bị đưa ra xét xử công khai. Vì sao bóng đá Việt liên tục bị tiêu cực mà trực tiếp là nạn mua bán độ, dàn xếp tỉ số hoành hành như vậy?

Cách nay gần 4 tháng, bóng đá Việt Nam đã bị rung chuyển, trở thành đề tài khai thác nóng bỏng của truyền thông thế giới khi 9 cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ, dàn xếp tỉ số (cơ quan công an gọi tội danh này là đánh bạc và tổ chức đánh bạc) khi thi đấu tại AFC Cup 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của người hâm mộ và giới chuyên môn thì vụ việc xảy ra ở đội Đồng Nai có sức tàn phá còn gấp nhiều lần vào niềm tin vào sự phát triển của nền bóng đá nước nhà.

Bởi, trong vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở các cầu thủ Đồng Nai là xảy ra ngay ở giải bóng đá có đẳng cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam: Giải bóng đá Vô địch quốc gia chuyên nghiệp V-League. Và theo những gì mà lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45) phát biểu trong buổi họp công bố thông tin về vụ án liên quan đến nhóm cầu thủ Đồng Nai và trận đấu với Than Quảng Ninh thì nhóm cầu thủ trên không chỉ cá độ và dàn xếp tỉ số một trận đấu trên mà còn là nhiều trận đấu khác tại giải VĐQG V-League. Đặc biệt, không chỉ có đội Đồng Nai mà còn rất nhiều đội bóng khác tại giải VĐQG V-League 2014 cũng bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Có nhận định cho rằng nếu cơ quan điều tra bóc rễ, truy xét đến tận cùng của tiêu cực trong bóng đá Việt hiện nay thì rất có thể giải bóng đá VĐQG chuyên nghiệp sẽ không còn quá 8 đội để thi đấu ở mùa giải năm sau, thậm chí phải đình chỉ, hoãn giải trong 1 - 2 năm tới.

Ngay trong phát biểu mới nhất, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng đã khẳng định: VFF sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý triệt để những tiêu cực nhằm làm trong sạch bóng đá Việt Nam. VFF khẳng định sự nhất quán sẽ đấu tranh, sẽ làm mọi biện pháp để đưa những kẻ phá hoại bóng đá ra ánh sáng và họ phải chịu sự trừng trị của pháp luật, xã hội...”.

Còn nhớ, vụ tiêu cực bán độ ở nhóm 4 cầu thủ ĐTVN tại Tiger Cup 1996 do HLV K.H.Weigang phát hiện đã bị nhắm mắt cho qua sau khi nhóm cầu thủ này “lập công chuộc tội”, giúp ĐTVN giành HCĐ giải đấu này. Nếu sau thành tích trên, VFF chịu làm tới nơi tới chốn thì chắc chắn sẽ khó mà xảy ra vụ việc bán độ ở nhóm cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam khi tham gia SEA Games 2005 trên đất Bacolod, Philippines đầy tủi hổ. Sau vụ án này được đưa ra xét xử, báo giới và người hâm mộ đã liên tục vạch mặt những trận cầu nhuốm mùi tiêu cực ở V-League, giải hạng Nhất Quốc gia, Cúp Quốc gia nhưng VFF đều làm ngơ, “an phận thủ thường” để giữ ghế và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.

Khi nhóm cầu thủ V.Ninh Bình bán độ ở AFC Cup 2014 (bắt giữ vào tháng 4) thì vẫn còn nhiều vị lãnh đạo của các đội bóng, thậm chí một vài thành viên Ban tổ chức giải kháo nhau rằng: “Chúng nó chỉ dám kiếm chút đỉnh ở giải đấu ở bên ngoài Việt Nam, chứ các giải trong nước như V-League thì làm gì dám!”. Chính những suy nghĩ mang tính dung túng ấy đã trở thành những mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển và đến nay đã trả giá với vụ địa chấn mang tên Đồng Nai.

Theo chúng tôi, chẳng thà một lần đau, VFF và các ngành liên quan mạnh dạn cắt bỏ vĩnh viễn căn nguyên, gốc rễ của tiêu cực trong đời sống bóng đá nước nhà, để rồi làm lại từ đầu, chấp nhận ngưng giải V-League để củng cố, làm sạch cơ thể bóng đá Việt còn hơn là mãi sống chung với tiêu cực để lừa dối khán giả, nhân dân và chìm mãi trong vùng trũng của bóng đá thế giới.

LONG VĨNH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên