Ngành chăn nuôi hướng tới TPP

Cập nhật: 02-12-2015 | 09:01:03

Giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi của Bình Dương được định hướng theo hướng công nghiệp, kỹ thuật cao. Đối với khu vực phía nam của tỉnh được khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị với các mô hình chim kiểng, cá kiểng…; khu vực phía bắc sẽ phát triển mô hình chăn nuôi tập trung.

Ngành chăn nuôi của Bình Dương đang nỗ lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trước sân chơi TPP. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại huyện Bắc Tân Uyên Ảnh: QUỲNH NHIÊN 

Ngành chăn nuôi Bình Dương đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các chuyên gia, điều cần làm ngay của Bình Dương chính là thay đổi ý thức của người chăn nuôi. Từ bỏ kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng đến nền chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường các nước tham gia TPP. Trong đó, xây dựng vùng an toàn là việc làm hết sức quan trọng.

Xây dựng vùng an toàn

Nắm bắt được vấn đề nói trên, Bình Dương đã có Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch đối với bệnh lở mồm, long móng trâu, bò, heo và dịch tả heo giai đoạn 2012-2015”. Điều đó cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành chăn nuôi tỉnh nhà trong việc thay đổi tư duy trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trước xu thế hội nhập

Theo Chi cục Thú y tỉnh, qua 3 năm thực hiện đề án nói trên, đến nay toàn tỉnh đã có 48 cơ sở giết mổ tập trung; 65 cơ sở an toàn dịch bệnh tại 9 huyện, thị, thành phố; đồng thời xây dựng thành công 3 xã an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phúc kiểm cũng được chi cục tăng cường trong thời gian qua, với gần 6,8 triệu con heo, gần 75.000 con trâu, bò được kiểm soát.

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc; các bệnh lở mồm, long móng, dịch tả đã được khống chế. Đặc biệt, giai đoạn 2012-2015, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng và dịch tả cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đạt được kết quả trên là do ngành chăn nuôi đã hết sức chú trọng công tác tuyên truyền. Cụ thể là trong 5 năm qua, chi cục đã phát hơn 20.000 tờ bướm tuyên truyền về dịch bệnh; mở 18 lớp tập huấn về bệnh lở mồm, long móng cho các hộ chăn nuôi tham gia; các trạm thú y đã thực hiện 569 bài phát thanh, tố chức 145 lớp tập huấn cho các đối tượng tham gia dự án. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền đã từng bước được nâng cao về nội dung và hình thức, từ đó giúp người dân ý thức được tác hại dịch bệnh, tích cực khai báo tình hình dịch bệnh, chấp hành tiêm phòng vắc xin…

Hướng tới ngành chăn nuôi chất lượng

Theo Kế hoạch số 3106/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành mới dây, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tập trung vào các cơ sở chăn nuôi để được công nhận an toàn dịch. Đối với vùng an toàn dịch, tùy tình hình thực tế và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện phù hợp với nội dung theo Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” đã được phê duyệt.

Mục tiêu của Bình Dương là cùng với 4 tỉnh bạn hình thành vùng an toàn chăn nuôi gia cầm để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian sớm nhất. Đây là một điều kiện bắt buộc để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khi tham gia TPP. Bên cạnh đó, Bình Dương phấn đấu đến tháng 7-2017 có trên 90% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 100% số xã được công nhận an toàn dịch bệnh; đến tháng 12-2020 sẽ được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn trên gà.

Bà Đỗ Thị Xuân Hồng, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Thành Lợi (TX.Tân Uyên) cho biết, sân chơi TPP là cơ hội cho những hộ nông dân mở rộng quy mô để đón nhận thị trường thế giới. Ngành chăn nuôi của tỉnh cần chuyển theo hướng tập trung, áp dụng mạnh mẽ khoa học- kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; nhất là phải nói không với chất cấm trong chăn nuôi là điều kiện cần thiết để tham gia sân chơi TPP. Nếu chúng ta không quan tâm tới điều này, ngành chăn nuôi sẽ gặp bất lợi bởi cam kết khi vào TPP, ngành chăn nuôi sẽ hoàn toàn mở cửa.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, vì Bình Dương đang cùng các tỉnh bạn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tiến tới dẹp bỏ hẳn hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các khu dân cư. Hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh đã được quy hoạch theo hướng công nghiệp, với quy trình chăn nuôi, giết mổ khép kín. Nhiệm vụ trước mắt của ngành là bảo vệ, củng cố thị trường nội địa vững chắc, trước khi tính tới bài toán xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm vào thị trường các nước tham gia TPP.

 

 XUÂN VĨ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên