Ngành công nghiệp Bình Dương: Nhiều kỳ vọng trong mùa xuân mới

Cập nhật: 18-02-2016 | 08:44:03

Là một trong những ngành sản xuất chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, công nghiệp (CN) Bình Dương đã đạt được nhiều cột mốc đáng nhớ. Chính vì thế, bước vào mùa xuân mới Bính Thân, tỉnh nhà đang kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công trên lĩnh vực CN.

 Những nỗ lực đáng ghi nhận

Trong năm 2015, giá trị sản xuất CN toàn tỉnh đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm trước. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, kéo theo những khó khăn mà một số ngành CN chủ lực của tỉnh gặp phải. Đáng kể nhất là những biến động xấu ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của ngành CN tỉnh nhà.

Năm 2016, ngành CN tỉnh nhà kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Kaiser
(Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Thêm một điểm nhấn đáng mừng cho toàn ngành là xu hướng những tháng cuối năm 2015 khả quan hơn nhiều so với đầu năm. Kết quả cho thấy, giá trị sản xuất CN của tỉnh trong năm qua tăng trưởng liên tục qua các tháng (3 tháng tăng 11,2%, 6 tháng tăng 13%, 9 tháng tăng 13,8%, cả năm tăng 15,8% so với năm trước). Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... được duy trì và phát triển.

Một cột mốc đáng nhớ khác là từ ngày 1-4-2015, Việt Nam chính thức áp thuế nhập khẩu bằng 0% đối với hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản (chủ yếu là nhóm mặt hàng như chất dẻo, hóa chất, phụ liệu ngành da giày, dệt may…) đã mở ra cho ngành da giày cũng như ngành dệt may thêm sự lựa chọn về thị trường nguồn nguyên liệu. Điều này càng có ý nghĩa tích cực đối với ngành CN của Bình Dương, bởi Nhật Bản đang là nhà đầu tư số 1 trong số các quốc gia đầu tư vào tỉnh nhà, với hơn 5,2 tỷ USD. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Bình Dương xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Có thể nói, những tác động tích cực của việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương đang có nhiều diễn biến thuận lợi. Nhiều hiệp định cơ bản đã hoàn tất các vòng đàm phán như FTA Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… cũng góp phần thúc đẩy ngành CN của Bình Dương gia tăng giá trị sản xuất trong năm qua.

Trong quá trình phát triển, Bình Dương dần trở thành “địa chỉ đỏ” về phát triển CN của cả nước. Qua đó, hàng ngàn công ty, xí nghiệp mọc lên đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ và từ các tỉnh, thành khác trong cả nước. Nếu như năm 1997, cả tỉnh chỉ có 6 khu công nghiệp (KCN) thì đến nay đã có 29 KCN với hàng ngàn nhà máy, có sự góp mặt của nhiều tập đoàn sản xuất lớn đến từ các quốc gia có nền CN phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức…

Vững tin vào mùa xuân mới

Sự thành công của ngành CN tỉnh Bình Dương trong thời gian gần đây, cụ thể là cả năm 2015 đã góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của tỉnh năm qua tăng 10,3% so với năm 2014. Ấn tượng hơn, trong năm qua đã có 24/27 nhóm hàng sản xuất CN chủ yếu tăng so với cùng kỳ; trong đó có 13 nhóm sản phẩm tăng trên 10%, tập trung vào các mặt hàng có thị trường xuất khẩu ổn định và tiêu thụ tốt góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành như: ngành dệt tăng 14%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,2%; sản phẩm điện tử tăng 20,1%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 9,4%...

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X vừa qua, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, mục tiêu của tỉnh là nâng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP là 13,3%); phấn đấu tới năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm CN lớn của cả nước, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực. Đồng thời, tỉnh nhà ưu tiên phát triển các ngành CN phụ trợ, tạo điều kiện cho việc kêu gọi nhà đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; hàng năm giải quyết việc làm cho 45.000 lao động...

Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương sẽ cơ cấu lại các ngành CN chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực; song song đó phát triển những ngành CN mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, cơ khí, hóa chất; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu... Tỉnh nhà cũng sẽ phát triển CN ở phía nam theo hướng tăng sản phẩm CN có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; khuyến khích phát triển CN ở phía bắc của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển CN chế biến, gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

Cũng cần nhắc lại rằng, sự thành công trong việc phát triển CN của Bình Dương hiện nay có dấu ấn rất lớn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh đi trước. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, những định hướng mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giai đoạn mới 2015-2020 cũng trở thành điểm tựa vững chắc để Bình Dương tiếp tục phát triển CN thành công rực rỡ hơn nữa.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên