Ngành công nghiệp nỗ lực vượt khó từ đầu năm

Cập nhật: 20-02-2020 | 09:21:39

Hai tháng đầu năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 2 nhưng ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2019.

Công nghiệp chuyển dịch mạnh về các địa phương phía bắc của tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Bình (Bắc Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY

Nhiều ngành duy trì đà tăng trưởng

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư.

Tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trương. Tỉnh cũng chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm nay, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng khu, cụm công nghiệp; sớm thành lập khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía nam sang phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu giá trị ngành dịch vụ tăng 10,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so với năm 2019. Tỉnh cũng tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử; khai thác các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Công nghiệp dịch chuyển mạnh về phía bắc

Những năm gần đây, theo chủ trương của tỉnh, công nghiệp có sự dịch chuyển mạnh về phía bắc. Các chiến lược thu hút đầu tư đã được tỉnh và các địa phương phía bắc nhanh chóng hoàn thiện, cùng với những chính sách ưu đãi, trải chiếu hoa đón nhà đầu tư. Việc hình thành các khu công nghiệp đã kéo theo hàng chục ngàn chuyên gia, người lao động đến làm việc, từ đó nhu cầu nhà ở tăng cao.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập, Khu công nghiệp Đất Quốc - KSB đã nhanh chóng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như các yếu tố giáo dục, y tế, giải trí… Ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Đất Cuốc - KSB cho biết tại đây đã thu hút được 64 dự án, đạt tỷ lệ lấp đầy 99% (tổng diện tích 131,29 ha). Hiện đơn vị đang đầu tư mở rộng dự án giai đoạn 2 cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ để phục vụ nhu cầu ăn ở, mua sắm, vui chơi giải trí của người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết theo quy hoạch, sau năm 2020 tổng diện tích các khu công nghiệp, đô thị trên địa bàn huyện khoảng 2.208 ha với 5 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp. Động lực của sự phát triển này là nhờ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của huyện ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại.

Trong khi đó, theo ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, năm 2019 huyện đã đưa vào quy hoạch 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 300 ha, gồm các ngành nghề sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Huyện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đúng pháp luật và phù hợp với quy hoạch của địa phương. Huyện cũng tiếp tục nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên.

Huyện Phú Giáo có nhiều kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút các dự án có công nghệ cao, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành, sản phẩm phù hợp với nguồn lực và lợi thế của địa phương trong từng giai đoạn. Hiện nay, địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển đô thị một cách hợp lý và có hiệu quả để tạo điều kiện tốt nhất cho các loại hình dịch vụ phát triển, từ đó góp phần thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm phát triển các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Tại Cụm công nghiệp Tam Lập 1 (huyện Phú Giáo), hiện nay Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh đã vận hành thí điểm nhà máy luyện và sản xuất lốp cao su bán thép xuất sang thị trường Hoa Kỳ với công suất dự kiến lên đến 4 triệu lốp/năm. Dự kiến, khi công ty đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tiêu thụ nguồn nguyên liệu và đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hạ tầng tốt và có tỷ lệ lấp đầy cao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91 ha. Có 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã hoạt động khoảng 67,4%. Trong số này, đến nay đã có 4 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy 100% (gồm Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp, Thành Phố Đẹp), 1 cụm đã lấp đầy 90% diện tích đất công nghiệp (Cụm công nghiệp Thanh An).
 
TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên