Ngành Công thương: Kết nối cung cầu nông sản cho doanh nghiệp

Cập nhật: 27-10-2017 | 08:16:09

Sở Công thương Bình Dương vừa phối hợp với Sở Công thương Trà Vinh tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản - đậu phộng. Mục đích nhằm xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hoàn chỉnh, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp (DN).

 Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị kết nối cung cầu nông sản - đậu phộng được Sở Công thương tổ chức vừa qua. Ảnh: TIỂU MY

 Gỡ khó về nguyên liệu cho DN

Bà Trịnh Thị Liên, đại diện Công ty YHM (Singapore), Khu công nghiệp Sóng Thần II, cho biết công ty đầu tư vào Bình Dương vì địa phương này trước đây có nguồn nguyên liệu đậu phộng tốt từ Tân Uyên. Hiện công ty không còn thu mua được đậu phộng từ Tân Uyên nữa và đã chuyển sang các vùng lân cận, nhưng việc thu mua cũng rất khó khăn. Ngày trước, mỗi năm công ty xuất khẩu 2.000 - 3.000 tấn sản phẩm, còn hiện nay chỉ khoảng 1.200 tấn. Về nguyên liệu đậu phộng tại Trà Vinh, trong 3 - 4 năm gần đây giá đậu khá cao, trong khi chất lượng không còn được như trước. Có những thời điểm công ty chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương lái nước ngoài, gây nên sự bị động về nguyên liệu sản xuất. Do việc thu mua nguyên liệu trong nước rất khó khăn nên có thời điểm công ty phải nhập đậu từ các nước khác. Hiện công ty đã có kế hoạch di dời nhà máy về phía bắc để tìm nguồn nguyên liệu ổn định hơn.

Theo bà Lưu Bảo Hoa, Giám đốc Công ty Thực phẩm Dân Ôn (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), mức giá đậu phộng tại Trà Vinh hiện cao hơn giá đậu phộng tại Mỹ 10%. Chính sự chênh lệch này đã gây khó khăn cho DN tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm liên quan sang các nước khác. Bà Hoa cho rằng sản phẩm nông sản thiếu an toàn đang trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Với mặt hàng đậu phộng thành phẩm, việc kiểm định độc tố aflatoxin khi công ty xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Canada được thực hiện rất nghiêm ngặt. Hiện công ty đã đầu tư phòng thí nghiệm để kiểm định nguồn nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, vấn đề mấu chốt là các DN cung ứng phải cung cấp sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Tỉnh Trà Vinh là vùng có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây đậu phộng, chất lượng đậu rất tốt. Tại đây, loại nông sản này đang được phát triển mạnh, địa phương đang hướng tới việc phát triển theo mô hình nông nghiệp chất lượng cao nhằm tăng năng suất và chất lượng. Theo đại diện các hợp tác xã thu mua nông sản tỉnh Trà Vinh, hiện nay sản phẩm của các đơn vị chủ yếu bán cho thương lái, với giá cả biến động lớn. Đã có một số hợp tác xã nhập hàng cho công ty sản xuất tại Bình Dương, song cũng phải qua bên thứ 3 nên không được làm việc trực tiếp với công ty để có những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Các hợp tác xã, DN mong muốn tìm được đầu mối ổn định giá cả loại nông sản này để nông dân không phải lệ thuộc vào thương lái.

Cần sự nỗ lực chung

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường là một trong những đòi hỏi tất yếu để nông sản tiêu thụ ổn định. Theo các chuyên gia, cung ứng và sản xuất là 2 yếu tố chính để các ngành kinh tế phát triển. Tuy nhiên, lâu nay việc liên kết giữa hai thành phần này chưa nhịp nhàng. Thậm chí có mùa vụ, DN sản xuất nhiều phen lao đao khi bên cung ứng gom hàng bán cho thương lái nước ngoài.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành công thương 2 tỉnh Bình Dương và Trà Vinh đều cho rằng việc tổ chức hội nghị cung cầu về nông sản là hết sức cần thiết nhằm tạo mối liên kết DN cung ứng và DN sản xuất. Đó cũng là cơ sở xây dựng nên các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn và góp phần xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất quy mô lớn về nông sản cung cấp cho các DN sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là một trong các hoạt động triển khai chủ trương của Bộ Công thương về thực hiện nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, thuộc danh mục của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Để nhóm chương trình này đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, các địa phương phải xây dựng được chuỗi liên kết hoàn chỉnh, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và nguồn nguyên liệu ổn định cho DN sản xuất, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Các DN Bình Dương cũng mong muốn chính quyền địa phương ở Trà Vinh cần tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo các hợp tác xã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách sản xuất từ tự phát sang theo nhu cầu của thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết đơn vị sẽ cùng các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh mở rộng vùng nguyên liệu nhằm phục vụ thị trường ngày càng tốt hơn. Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, để bảo đảm chất lượng cũng như giá cả, các DN Bình Dương cũng cần trực tiếp gặp gỡ nhà cung cấp sản phẩm nhằm tìm hiểu về sản lượng cung ứng, chất lượng sản phẩm, giá cả... để ký hợp đồng bao tiêu lâu dài.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên