Ngành dệt may Bình Dương: Chủ động đón đầu cơ hội

Cập nhật: 22-11-2018 | 21:11:05

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của các doanh nghiệp (DN) dệt may Bình Dương, với doanh thu tăng đến 16% so với năm 2017. Hiện các DN dệt may tại Bình Dương đang tìm phương án tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị DN, đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật số để nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng cơ hội từ thị trường.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing VN (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Nhiều thuận lợi

Theo Sở Công thương, năm 2018, kim ngạch ngành dệt may của tỉnh xuất khẩu ước đạt 2.649,8 triệu USD, tăng 16,8% so với năm 2017. Năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ diễn ra được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may của Việt Nam, khi làn sóng đầu tư và đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại trong những năm qua đã và đang tạo động lực cho các DN ngành dệt may đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Ghi nhận cho thấy, hiện nhiều DN dệt may trong tỉnh đã hoàn thành các đơn hàng ký trong năm 2018. “Hoạt động kinh doanh của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 rất tích cực. Hầu hết các DN đã hoàn thành các đơn hàng đã ký, đồng thời ký kết các đơn hàng mới cho năm tới. Đây là tín hiệu vui, cho thấy các DN đã nắm bắt tốt các cơ hội và thích ứng tốt với sự biến động của kinh tế thị trường. Đến thời điểm này, nhiều DN đã ký kết đơn hàng cho 6 tháng, thậm chí cả năm 2019”, ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hội dệt may Bình Dương, nói.

Theo ông Phoa, từ đầu năm đến nay, các thị trường trọng điểm xuất khẩu của tỉnh như Mỹ, Liên minh châu Âu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số lượng các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Với thuận lợi về thị trường, đến thời điểm này nhiều DN dệt may trong tỉnh đã gần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2018.

Thời gian qua, các thương hiệu lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang và sẽ được hưởng theo các hiệp định thương mại. Các DN Việt Nam cũng được đánh giá ngày càng hấp dẫn hơn đối với khách hàng nhờ năng lực cạnh tranh và tiềm năng hoàn chỉnh chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đầu tư mạnh vào công nghệ

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu của các DN dệt may trong nước trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đối với Bình Dương, năm 2019, dự báo ngành dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may, việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới nếu sớm được triển khai sâu rộng.

Trước xu thế cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường hiện nay, các DN dệt may Bình Dương đã và đang tìm phương án tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị DN, đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật số nhằm giảm thiểu thâm dụng lao động. Ông Phoa cho hay hiện nhiều DN dệt may Bình Dương đã quan tâm đầu tư máy móc kỹ thuật số nhằm nâng cao năng lực quản trị; đầu tư để chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm… với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Mặc dù hiện nay các DN dệt may có nhiều thuận lợi khi đơn hàng dồi dào nhưng các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về thách thức đối với ngành dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước hết, các DN dệt may gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, dù được đánh giá cao về tay nghề nhưng theo phản ánh của các DN may mặc trong tỉnh chi phí tiền lương nhân công tăng cao kéo theo nhiều phí khác khiến gánh nặng về chi phí lao động đang tạo áp lực lớn cho DN. Bên cạnh đó, nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc, hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng được đưa vào tầm ngắm soát xét nhiều nhất.

Tuy vậy, theo ông Phoa, điều đáng mừng là thời gian qua các DN dệt may tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên