Ngành dệt may cần chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa

Cập nhật: 22-08-2020 | 09:35:12

Dù không thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm doanh thu do hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, song thị trường trong nước vẫn là giải pháp tốt cho ngành dệt may lúc này.

Sản xuất tại Công ty May mặc Equel, Khu công nghiệp VSIP 1, TP.Thuận An

Chưa chú trọng đúng mức

Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường nội địa đã trở thành phân khúc bù đắp một phần khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Các DN đã có thay đổi trong cơ cấu sản xuất, đồng thời nâng cao liên kết chuỗi sợi, dệt, nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tại thị trường nội địa khẩu trang liên tục cháy hàng, các DN chuyển hướng sản xuất, tối đa hóa công suất đối với mặt hàng này. Tại Công ty Cổ phần May mặc Quốc tế (TX.Bến Cát), hiện nhu cầu không nhiều như những tháng đầu năm, giá lại giảm, tuy nhiên DN đang nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất. Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, các DN trong hiệp hội đã sản xuất và cung ứng các dòng khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế với giá phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều công ty tập trung nghiên cứu, đưa ra những dòng sản phẩm thời trang công sở đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất liệu...

Hiện nay, ngành công thương đang khuyến khích các DN may mặc chú trọng hơn đến thị trường nội địa để bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu và bảo đảm sự phát triển bền vững. Đây cũng được xem là giải pháp để ngành dệt may xây dựng chiến lược cạnh tranh ngang bằng với các thương hiệu nước ngoài, bảo đảm sự phát triển trong hội nhập. Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường nội địa đang được đánh giá là rất tiềm năng đối với các DN dệt may Việt Nam. Lâu nay, các DN dệt may chỉ chú trọng đến xuất khẩu và chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã giúp nhiều DN nhìn nhận lại thị trường này. Bên cạnh đó, đối với mặt hàng thời trang, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của thị trường nội địa đối với hàng dệt may có thể không quá lớn khi người dân thắt chặt chi tiêu nhưng đây vẫn là phân khúc thị trường cần tận dụng nhằm bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn.

Đồng ý với quan điểm này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Thời gian qua, rất nhiều DN may mặc đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường trong nước. Nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện rất nhiều DN may mặc xuất khẩu vẫn chưa “mặn” với thị trường trong nước. Các DN lo ngại trên thị trường hiện nay hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan lại được gắn mác là hàng Việt, hàng hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Không những thế, các đơn vị may mặc trong hiệp hội là các cơ sở gia công đầu tư vào số lượng, chứ chưa chú ý đến xây dựng thương hiệu nên việc bước vào thị trường trong nước là cả một quá trình, chưa kể đến là rủi ro lớn.

Cần có chiến lược

Theo các DN, khó nhất của ngành may chính là nguyên liệu. Vải sản xuất tại Việt Nam cũng đắt hơn vải nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy nhiều DN đã chọn vải nhập là chính. Chính vì thế hàng dệt may Việt Nam mang tiếng là sản xuất trong nước, hướng đến thị trường nội địa song nguyên liệu phần lớn là ngoại nhập. Nếu bán ra và cạnh tranh với hàng hóa trong nước thì rất khó về mặt giá cả. Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, nhiều DN đã chọn phương án sản xuất và bán hàng sỉ thông qua nhà phân phối nội địa, bởi khâu phân phối tiêu thụ ở thị trường nội địa không phải là chuyện dễ đối với DN vốn quen xuất khẩu.

Trước khó khăn này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng để có thể đáp ứng sản phẩm sản xuất nội địa với nguyên liệu nội địa thì DN ngành may phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời Nhà nước cũng cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ cho người Việt Nam.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên