Ngành Giáo dục – Đào tạo: Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Cập nhật: 22-06-2018 | 08:38:51

Nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS. Đây là chủ trương đúng đắn, giúp nâng cao chất lượng bậc THPT, đồng thời định hướng cho những HS không có khả năng tiếp tục học tập được học nghề phù hợp với năng lực bản thân.

Để công tác phân luồng đạt hiệu quả, hàng năm khi bước vào năm học mới, qua khảo sát chất lượng đầu năm, các trường THCS đã nắm được sức học của từng HS. Sau đó nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh kết quả học tập của HS, đồng thời tư vấn HS lựa chọn hướng đi tiếp theo phù hợp. Với những HS có sức học yếu, thầy cô khuyên các em nên chọn con đường học nghề để không lãng phí thời gian. Nhờ được nhà trường thường xuyên tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, phụ huynh và HS đã hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THCS và đồng thuận cao về chủ trương này.


Thầy Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương trao bằng tốt nghiệp đợt 2 năm học 2017-2018 cho các học viên

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Giáo dục trung học - thường xuyên Sở GD-ĐT, trên cơ sở thực hiện phân luồng, hàng năm có khoảng 70% HS tốt nghiệp THCS theo học lớp 10 THPT công lập, tư thục kể cả lớp 10 bổ túc và 30% còn lại theo học các nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường trung cấp nghề. Để tạo điều kiện cho những em này vừa học văn hóa vừa học nghề, hiện nay các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp các huyện, thị, thành phố đã phối hợp với các trường TCCN mở những lớp đào tạo nghề. Sau khi hoàn thành chương trình bổ túc THPT, đồng thời các em có được bằng nghề và tự tin tìm việc làm phù hợp với nghề đã học, hoặc có thể học liên thông lên đại học. Em Phạm Minh Vượng, học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp Phú Giáo đã từng tâm sự: “Em học chương trình bổ túc THPT, đồng thời em còn học lớp điện công nghiệp hệ trung cấp do trường tổ chức. Trong năm học tới, sau khi tốt nghiệp bổ túc THPT, đồng thời em cũng nhận bằng trung cấp và có thể đi làm ngay”.

Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, ngành thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện cho các trường TCCN, trung cấp nghề tiếp cận HS lớp 9 để giới thiệu về trường dạy nghề, trường chuyên nghiệp nhằm thu hút tuyển sinh. Tuy nhiên, thời gian qua việc phân luồng còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục chuyên nghiệp; tâm lý của nhiều phụ huynh HS và HS muốn học hết THPT mới học nghề. Nhiều gia đình và HS không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm, động cơ tham gia các lớp học nghề ở các trường TCCN của các em bị lệch, xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn nặng nề chạy theo bằng cấp và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn hạn chế, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp gây trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng HS. Từ những lý do trên mà việc phân luồng 30% HS vào các trường nghề chưa đạt được tỷ lệ đã đề ra. Và thực tế cho thấy, nhiều năm nay các trường nghề tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

“Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong và ngoài nhà trường để cha mẹ HS và HS xác định việc học lên cao là chính đáng, nhưng cần xem xét đến năng lực và hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của xã hội để lựa chọn hướng đi phù hợp. Bên cạnh đó, ngành còn lập kế hoạch mở lớp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp để thực hiện chức năng hướng nghiệp cho HS; phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho giáo viên phụ trách hướng nghiệp và dạy nghề, nhất là tư vấn hướng nghiệp cho HS cuối cấp, giúp các em định hướng tốt để đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp”.

(Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X