Ngành gỗ: Mở rộng thị trường nguyên liệu

Cập nhật: 29-03-2017 | 08:32:55

 Nguồn nguyên liệu gỗ đã có dấu hiệu “khan” tại Bình Dương, tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) gỗ trong tỉnh. Năm 2017 được dự báo ngành gỗ của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng, kéo theo nguồn nguyên liệu tăng. Chính vì thế, các DN đang chủ động mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu.

 DN trong nước gặp khó về nguồn nhân lực

Trong 3 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu gỗ của Bình Dương đạt thấp. Chỉ có số ít DN có mức xuất khẩu tăng 5 - 10%, như Công ty TNHH Hiệp Long tăng 10%, Công ty TNHH MTV CBG Tường Văn tăng 5%, Công ty TNHH Kim Thành A tăng 5%; trong khi số còn lại tăng 0%, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), các DN đang chờ đợi mức tăng trưởng khá hơn vào quý II do các đơn hàng tập trung vào giữa và cuối năm 2017.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, giá trị đơn hàng của các DN trong hiệp hội mới thực hiện được khoảng 5 % kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên điều này không làm BIFA lo lắng, bởi các đơn hàng của DN phần lớn tập trung vào thời điểm giữa và cuối năm, đây là thời gian sức tiêu thụ tại thị trường châu Âu, Mỹ tăng mạnh. Vấn đề BIFA quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn lao động. Theo phản ánh của một số DN gỗ, hiện các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương đang ra sức thu hút nguồn nhân lực từ các DN trong nước.

Các DN gỗ của Bình Dương đang tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định. Trong ảnh: Một khâu sản xuất tại Công ty Cổ phần chế biến gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Lãnh đạo một DN gỗ ở TX.Thuận An chia sẻ, DN có vốn đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả lương cao để “rút” nguồn nhân lực của các DN trong nước. Điều này gây ra nhiều khó khăn, bởi nguồn nhân lực của các DN nội “nhảy việc” đều trải qua thời gian dài làm việc tại DN trong nước và được chính các DN này đào tạo và nâng cao tay nghề. DN nước ngoài chỉ cần trả lương cao hơn, không qua đào tạo vẫn có được lực lượng lao động chuyên môn cao. Bên cạnh đó, năm 2017 được dự báo sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, do đơn hàng xuất khẩu tăng kéo theo nguồn nguyên liệu tăng. Chính vì thế, các DN gỗ phải mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Đa dạng thị trường nguyên liệu

Theo BIFA, “cú sốt” tỷ giá cuối năm 2016 đã làm không ít DN gỗ lo lắng, nay giá nguyên liệu tăng cao khiến các DN gỗ thêm khó khăn. 3 tháng đầu năm 2017 ghi nhận sự biến động lớn về giá cả nguyên liệu gỗ, cụ thể giá gỗ cao su tăng 35%, gỗ tràm tăng 15%, gỗ Oak tăng 10 - 15%, gỗ Teak và gỗ sồi tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng đã làm cho nhiều DN gỗ gặp khó khi nhận các đơn hàng lớn.

Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện nay chỉ đáp ứng 50% cho thị trường chế biến gỗ của các DN trong tỉnh, phần còn lại các DN phải nhập nguồn nguyên liệu từ các nước khác. Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A (TX.Thuận An) cho biết, khi Chính phủ Lào có chủ trương đóng cửa rừng và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ, phần lớn các DN gỗ trong nước phải chủ động tìm thị trường cung cấp khác. Trong khi đó, tuy nguyên liệu gỗ cao su của Việt Nam có nhiều nhưng không bảo đảm chất lượng khi gia công sản phẩm xuất khẩu. Ngay cả nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu bởi do cây trồng có đường kính quá nhỏ, không phù hợp cho những mặt hàng xuất khẩu. Hiện nay, xu hướng tìm nguyên liệu tại châu Âu được nhiều DN gỗ trong tỉnh lựa chọn. Các DN gỗ của tỉnh đang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Đức, Ucraina, Nga, Pháp, Hoa Kỳ…

Hiện BIFA đã kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan về tình hình khan hiếm nguồn nguyên liệu trong quý I-2017. Theo kiến nghị này, các tập đoàn, công ty lớn cần công khai, minh bạch trong việc thanh lý gỗ để nguồn nguyên liệu không khan hiếm giả tạo. Các ngành liên quan cần giám sát tốt việc thu mua nguyên liệu của một số DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật... để giảm bớt gánh lo nguyên liệu cho các DN trong nước.

Ông Thanh cho hay, hiện BIFA đang khuyến khích các DN thành viên tích cực phát triển trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu, tăng cường liên kết tìm đầu vào ổn định cho nguyên liệu, đồng thời đa dạng và mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu để tính toán cho tầm nhìn xa hơn. Trong tương lai, nguồn nguyên liệu gỗ được dự đoán sẽ còn khan hiếm và khó khăn hơn nữa.

XUÂN VĨ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên