Ngành gỗ nỗ lực vượt khó

Cập nhật: 09-12-2017 | 08:03:23

Mặc dù gặp rất nhiều áp lực về cạnh tranh, chi phí nguyên liệu tăng… nhưng trong 11 tháng năm 2017, ngành gỗ của Bình Dương đã thực hiện vượt kế hoạch xuất khẩu cả năm, đạt trên 4 tỷ USD (kế hoạch năm 2017 là trên 3,5 tỷ USD).

 Đóng góp lớn nhất cho ngành gỗ cả nước

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ của nước ta trong năm 2017 có khả năng đạt mức 7,8 - 8 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 7,3 - 7,5 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong những năm qua, nhưng các chuyên gia dự báo trong những năm tới sẽ giảm tốc, đổi lại sẽ tăng mạnh vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

 Ngành gỗ của Bình Dương đóng góp gần 60% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Lâm Việt. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vifores cho biết, từ đầu năm nay đến hết tháng 11-2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của cả nước đạt gần 7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều lần so với năm trước (năm 2016 xuất khẩu ngành gỗ chỉ tăng 1,1% so với năm 2015). Đặc biệt, ngành gỗ của Bình Dương đóng góp gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trở thành địa phương xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước trong năm nay.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), thị trường tiêu thụ đồ gỗ chính của BIFA là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, chiếm gần 90% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất, 42,7%; tiếp đến là Trung Quốc, chiếm 14,1%; Nhật Bản chiếm 13,7%. Xuất khẩu gỗ năm nay tăng mạnh vào các nước: Hoa Kỳ tăng 18,8%, Hàn Quốc tăng 14,2%, Canada tăng 13,4%.

Đạt được những kết quả nói trên là sự nỗ lực rất lớn của ngành gỗ của Bình Dương, bởi khi bước vào năm 2017 ngành này gặp vô vàn khó khăn như áp lực tăng lương, chế độ đãi ngộ cho người lao động; cơn sốt thiếu nguyên liệu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9-2017… Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngoài nước cấu kết thu mua nguồn nguyên liệu, làm cho tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tại Bình Dương gặp nhiều thách thức.

Tận dụng tốt các lợi thế

Bước sang năm 2018, ông Thanh cho rằng ngành gỗ sẽ có nhiều thuận lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó thuế suất các mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam vào EU về 0% sẽ tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này.

Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Mtrade (TX.Tân Uyên) cho biết, để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, bắt buộc phải triển khai đẩy mạnh các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng. Thời gian qua, mô hình này mặc dù đã được hình thành và đã có bước phát triển đáng kể song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng như mang lại hiệu quả cao. Các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty và hộ trồng rừng vẫn còn mang tính chất tự phát, được hình thành chủ yếu do nhu cầu kết nối của công ty và hộ trồng rừng.

Lãnh đạo BIFA đánh giá, do tốc độ tăng trưởng nhanh nên ngành gỗ của Việt Nam đang gặp phải những thách thức. Thách thức dài hạn vẫn là vấn đề khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện ở cả nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ thị trường trong nước. Thách thức cũng đến từ việc tăng trưởng nhanh ở một số thị trường xuất khẩu. Đơn cử, năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc vào thị trường Mỹ dự kiến đạt 8 tỷ USD, còn Việt Nam dự kiến sẽ đạt gần 3 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam và Trung Quốc đang là hai nhà cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Mỹ. Các doanh nghiệp gỗ cần chú ý nhiều khả năng Mỹ sẽ áp dụng biện pháp chống phá giá nếu sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng mạnh vào thị trường này 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên