Ngành gốm sứ Bình Dương: Đơn hàng dồn về cuối năm

Cập nhật: 20-09-2018 | 08:40:07

 Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Bình Dương trong tháng 7 và 8-2018 giảm so với những tháng trước, nhưng các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh vẫn lạc quan hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp này, hầu hết đơn hàng của họ dồn vào 3 tháng cuối năm 2018.

Giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam trong tháng 7-2018 đạt 39,6 triệu USD, giảm 4,5% so với tháng 6-2018. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7-2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành gốm sứ đạt 286,4 triệu USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, gốm sứ của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Australia, Canada giảm, trong khi đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản tăng so với tháng 6-2018. Tuy kim ngạch xuất khẩu gốm sứ sang Liên minh châu Âu trong tháng 7-2018 giảm 13,7% so với tháng 6-2018 nhưng tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Sản xuất gốm sứ tại Công ty Phước Dũ Long. Ảnh: XUÂN VĨ

Ngay từ đầu năm 2018, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Anh giảm nhưng đây vẫn là thị trường trong Liên minh châu Âu nhập khẩu nhiều nhất gốm sứ mỹ nghệ của nước ta, tiếp đến là các thị trường Hà Lan, Italia, Pháp, Đức…

Đối vối ngành gốm sứ của Bình Dương, hiện chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu gốm sứ của cả nước, nên chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự suy giảm nhập khẩu của các thị trường lớn, truyền thống. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, cho biết xuất khẩu trong tháng 7 và 8-2018 của công ty có giảm, nhưng điều này hết sức bình thường, bởi đây không phải là thời gian cao điểm mua sắm của thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ... Vừa qua, công ty và đối tác đã tổ chức hội chợ gốm sứ tại Mỹ để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm 2018. Theo ông Tín, hầu hết đơn hàng của các doanh nghiệp gốm sứ đều dồn vào những tháng cuối năm. Hiện tại, các doanh nghiệp có đơn hàng đều phải tăng ca để bảo đảm số lượng sản phẩm giao hàng cho khách.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, thị trường xuất khẩu chủ lực của gốm sứ trong tỉnh hiện vẫn là Liên minh châu Âu và Mỹ, giá trị xuất khẩu chiếm tới 60 - 70%. Ở hai thị trường này đang có sự cạnh tranh quyết liệt của các mặt hàng gốm sứ đến từ Trung Quốc, Thái Lan... Để củng cố và phát triển ngành gốm, các doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh đang chú ý nhiều hơn đến thị trường Đông Nam Á.

Xâm nhập thị trường Đông Nam Á

Theo thống kê, sản phẩm gốm sứ nước ta xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á hiện chiếm 23,2% giá trị xuất khẩu toàn ngành; 7 tháng năm 2018 giá trị xuất khẩu vào thị trường này đạt 66,7 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, thị trường Indonesia nhu cầu sử dụng gốm sứ của Việt Nam đang tăng mạnh. Indonesia tuy không phải là thị trường truyền thống xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam nhưng trong 7 tháng năm 2018 sản phẩm gốm sứ xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến, gấp 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, Đông Nam Á đang là thị trường được các doanh nghiệp gốm sứ của Bình Dương quan tâm nhiều hơn.

Tham gia triển lãm gốm sứ ASEAN Ceramics năm 2017, sản phẩm gốm sứ của Bình Dương đã tạo được tiếng vang lớn bởi chất lượng và giá cả hết sức cạnh tranh. Các chuyên gia nhận định, chi phí và rào cản thị trường của Trung Quốc tiếp tục gia tăng khiến các nhà đầu tư châu Âu đang hướng đến thị trường Đông Nam Á. Tại khu vực này, gốm sứ nước ta đang chịu sự cạnh trạnh rất lớn từ các doanh nghiệp cùng ngành từ Thái Lan (năm 2017 Thái Lan xuất khẩu gốm sứ đạt gần 800 triệu USD).

Ông Vương Siêu Tín cho biết thêm, thị trường Đông Nam Á rất đáng được các doanh nghiệp quan tâm, bởi chúng ta có sự tương đồng về văn hóa, sản phẩm gốm sứ xuất hiện tại khu vực này khá sớm. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa các nước gần đã giảm đáng kể chi phí vận chuyển và sự cạnh tranh ít “khó chịu” hơn như so với thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ.

Theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát, đa số doanh nghiệp gốm sứ hiện nay đều lo giữ vững thị trường truyền thống, trong khi đó thị trường Đông Nam Á rất tiềm năng. Do nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế nên Cường Phát tiếp tục quan tâm thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á trong thời gian tới.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên