Ngành gốm sứ đang gặp khó

Cập nhật: 10-04-2017 | 06:41:41

Gốm sứ từng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Bình Dương, nhưng vài năm trở lại đây ngành này gặp nhiều khó khăn để giữ thị trường. Sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) gốm sứ trong tỉnh, từ việc đổi mới công nghệ đến đa dạng hóa sản phẩm… xem ra hiệu quả mang lại chưa cao.

Tăng trưởng chậm

Nhớ  lại  “thời  của  gốm”, không ít lãnh đạo DN gốm sứ trên địa bàn tỉnh tỏ ra tiếc nuối. “Mười năm trở về trước đơn hàng tấp nập, nhiều cơ sở mở rộng quy mô, tăng diện tích nhà xưởng, tuyển nhân công ào ạt để kịp đơn hàng; thậm chí có DN buộc phải bỏ đơn hàng.  Còn hiện nay, gốm sứ rất khó khăn để  giữ  được  thị  trường  xuất khẩu”, lãnh đạo một DN gốm sứ tại TX.Thuận An chia sẻ.

Số liệu của ngành chức năng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu ngành gốm sứ của cả nước giảm dần từ năm 2000 đến nay, năm 2016 chỉ còn 5%; cùng với đó hàng chục DN, cơ sở gốm sứ phải đóng lò ngừng hoạt động. Theo  ông  Vương  Siêu  Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TX.Thuận An), hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh trên thị trường nội địa (giữa các DN gốm sứ Bình Dương với nhau và DN gốm sứ trong cả nước), thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ DN các nước Trung Quốc, Thái Lan… Điều này buộc DN phải đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành... để giữ vững thị trường tiêu thụ.

Một công đoạn sản xuất tại Công ty TNHH gốm sứ Đại Hồng Phát.  Ảnh: PHÙNG HIẾU

Theo lãnh đạo một DN gốm sứ khác, thời gian gần đây một số DN gốm của Bình Dương khi tham gia thị trường xuất khẩu đã “phá giá”, làm cho ngành gốm gặp thêm trở ngại, bởi để nâng cao chất lượng sản phẩm các DN phải đầu tư công nghệ máy móc thiết bị tốn hàng triệu USD. Cho nên việc giảm giá sâu của một số DN làm ảnh hưởng chung tới lợi nhuận của ngành gốm sứ trong cả nước. Điều đáng nói, những năm gần đây, nhiều DN gốm trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của công nghệ thông tin để tìm kiếm khách hàng qua các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay thị trường gốm sứ đang có dấu hiệu bão hòa buộc DN phải tìm kiếm các giải pháp khác để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Lãnh  đạo  Hiệp  hội  Gốm sứ Bình Dương cho hay, đa số các DN gốm sứ đều rất nhạy cảm với thị trường, sẵn sàng đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhưng sự phát triển mạnh của các loại vật liệu mới như nhựa, polyme, inox, nhôm…  đã  làm  cho  các  sản phẩm gốm truyền thống bị thu hẹp thị trường.

Cần sự nỗ lực  từ nhiều phía

Hơn 10 năm nay, ngành gốm sứ của Bình Dương chứng kiến sự thay đổi rõ rệt, các sản phẩm được đầu tư, chăm chút nhiều hơn, chất lượng và yếu tố mỹ thuật cũng được quan tâm tốt. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công  ty  TNHH  Cường  Phát (TX.Thuận An), cho hay công tâm mà nói chất lượng, mẫu mã gốm sứ của Bình Dương vẫn còn khoảng cách với gốm của Trung Quốc. Thực tế cho thấy, gốm sứ Giang Tây chỉ xuất hiện vài năm gần đây tại thị trường trong nước cũng đã khiến không ít DN gốm sứ trong nước gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Đại Hồng Phát (TX.Thuận An), cho biết nguồn nhân lực cho ngành gốm hiện rất khan hiếm, bởi đặc thù riêng của ngành. Mỗi thợ pha men, lên màu, tạo mẫu chuyên môn cao… đang là “hàng hiếm” của nghề gốm. Từng là cái nôi của nghề truyền thống gốm sứ đất phương Nam, thực tế trên cho thấy ngành gốm sứ của Bình Dương đang gặp khó khăn về thế hệ kế thừa.

Theo  các  chuyên  gia,  DN gốm sứ trong nước hiện nay còn gặp áp lực rất lớn từ các chính sách lương, bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, nguồn nguyên phụ liệu, hóa chất, men màu… phục vụ cho sản xuất gốm sứ phần lớn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, Thông tư 130/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành tháng 8-2016 đang gây khó khăn cho các DN gốm sứ. Cụ thể, thông tư này quy định sử dụng nguyên liệu,  năng  lượng,  chi  phí  sản xuất… hơn 51% giá trị sản phẩm sẽ không được hoàn thuế, đây là trở ngại lớn cho ngành gốm sứ trong nước. Thực tế, việc không được hoàn thuế 10% cho nguồn nguyên vật liệu sử dụng có nguồn gốc trong nước đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm gốm sứ của các DN tỉnh Bình Dương, trong khi đó ngành gốm của  Trung  Quốc  đang  được Chính phủ của họ hỗ trợ rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi.

Trong  bối  cảnh  khó  khăn hiện nay, một số DN gốm sứ trong tỉnh đã nỗ lực quay về thị trường trong nước với các mặt hàng gốm sứ gia dụng như Minh Long I, Cường Phát, Đại Hồng Phát… Một số DN gốm sứ trong tỉnh đã sản xuất thêm sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng, kiến trúc, điện lực như Minh Long  II,  Hồng  Phát…  Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, thời gian qua một số DN trong tỉnh đã tổ chức mô hình tham quan và thực tập làm gốm ngay tại xưởng sản xuất để thu hút khách  du  lịch  tới  mua  sắm. Nhưng việc làm này chưa mang lại hiệu quả, người tham gia chủ yếu phục vụ cho sinh viên ở các trường đại học xây dựng, kiến trúc về đây thực tập, còn lượng khách du lịch rất ít. Được biết, Bình Dương đang khẩn trương triển khai đề án “Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống”. Nếu đề án này hoàn thành thì cơ hội tìm kiếm thêm khách hàng từ mô hình “tập làm gốm” của các DN mới trở nên khả quan hơn.

XUÂN VĨ

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên