KỶ NIỆM NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18-5

Ngành khoa học và công nghệ: Đóng góp tích cực vào sự phát triển

Cập nhật: 18-05-2018 | 08:09:23

Cùng với các ngành khác, thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ (KHCN) đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, ngành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) cải tiến, áp dụng KHCN mới vào sản xuất; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT), góp phần bảo hộ các thương hiệu riêng của Bình Dương...

 

 Thông qua việc áp dụng, đổi mới công nghệ đã giúp cho các DN giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Hệ thống nhúng men tự động của Công ty TNHH Minh Long I. Ảnh: H.PHẠM

Giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động

Thông qua việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ, những năm qua, các ngành, DN trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới, cải tiến, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất, quản lý…, mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiệu quả có thể thấy rõ là thông qua các đề tài thuộc lĩnh vực công nghiệp - công nghệ được nghiệm thu đã giúp DN đưa các tiến bộ KHCN vào trong sản xuất, qua đó giảm chi phí, tăng năng suất, tăng doanh thu cho DN và người lao động.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cho biết, với sự hỗ trợ của Sở KHCN, công ty đã nghiên cứu công nghệ đốt một lần lửa trong nung gốm sứ, khi áp dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả cao. Cụ thể, khi áp dụng công nghệ đốt một lần lửa, năng suất của công ty tăng lên 120.000 sản phẩm/ngày cùng với số lượng nhân công như nhau, thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước đây và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ngoài ra, công ty còn đầu tư hệ thống sản xuất tự động hiện đại của các nước có nền công nghệ phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, những DN trong tỉnh tham gia các dự án, chương trình về nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ đều đạt được kết quả khả quan và thương hiệu gắn liền với các sản phẩm của DN trên thị trường ngày càng tăng. Có thể kể đến như Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương”, nhiều DN tham gia được trao tặng giải thưởng chất lượng quốc gia và châu Á - Thái Bình Dương, như Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TX.Dĩ An) đạt giải vàng giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2015 và giải nhất giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN khẳng định, việc các DN đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị… đã giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Góp phần bảo hộ thương hiệu

Xác định nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có NHTT, những năm qua Sở KHCN đã triển khai xây dựng và phát triển NHTT nhằm bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với địa danh Bình Dương, như gốm sứ Bình Dương, sơn mài Bình Dương, bưởi Bạch Đằng, măng cụt Lái Thiêu… Qua việc xây dựng NHTT này đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, hội viên sử dụng NHTT, nhất là trong quá trình hội nhập như hiện nay.

Theo ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương (đơn vị quản lý NHTT Sơn mài Bình Dương), việc Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận NHTT sơn mài Bình Dương có thể nói là dấu mốc quan trọng để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của sơn mài Bình Dương trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, nhiều sản phẩm sơn mài của Bình Dương được nhiều nước ưa chuộng, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Những năm gần đây, tuy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ sản phẩm hàng sơn mài của Bình Dương tiêu thụ trên thị trường vẫn được giữ vững.

Có thể thấy, từ khi có NHTT đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người trồng bưởi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Trước đây, khi chưa có bao gói, dán nhãn hiệu… trung bình 10 quả bưởi, nhàvườn trong xã bán với giá từ 300.000 - 350.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi có NHTT, trung bình 10 quả bưởi người trồng bưởi ở đây bán với giá từ 400.000 - 450.000 đồng.

Ông Cường cho biết thêm, việc xây dựng NHTT là một trong những biện pháp phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên