Ngành ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn

Cập nhật: 18-06-2020 | 08:12:44

 Toàn ngành ngân hàng Bình Dương đang quán triệt tinh thần nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp (DN), góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, cũng như của ngành ngân hàng. Đồng thời vẫn bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Đó là mục tiêu hành động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn hiện nay.

 Hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh mới bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho DN, nền kinh tế vượt qua những khó khăn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương

 Tăng cường hỗ trợ

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, tính đến nay các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ gần 753 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm 1,26 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt trên 24.947 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng. Song song đó, ngân hàng còn chủ động cắt giảm lợi nhuận, chi phí hoạt động và rất sát sao trong việc kiểm tra, giám sát, đối thoại DN, tìm hiểu khó khăn để hỗ trợ khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho biết trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, DN luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ thiết thực từ phía Ngân hàng Agribank - Chi nhánh khu công nghiệp. Ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay và giảm các chi phí giao dịch. Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của DN.

Trên thực tế, bài học nợ xấu những năm trước đây do các ngân hàng chạy đua tăng trưởng tín dụng nóng vào một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây. Khi hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh thì mới bảo đảm hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở về trạng thái bình thường. Nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân bắt đầu có tín hiệu tích cực, vì vậy, các ngân hàng đang tích cực triển khai cho vay. Theo chia sẻ của đại diện các TCTD, mặc dù mức độ yêu cầu cấp tín dụng theo hợp đồng chưa biến động mạnh nhưng làn sóng tái đầu tư, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thực sự đang dần phục hồi. Tuy hồ sơ vay chỉ tăng nhẹ do khách hàng vẫn còn tâm lý e dè. Nhưng xét về mặt đầu tư thì vốn đáp ứng cho các DN sản xuất, kinh doanh vẫn có chiều hướng tăng lên.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết sau dịch bệnh, mỗi DN đều có một phương án khác nhau. Vì vậy, BIDV Bình Dương đang triển khai đội ngũ nhân viên tư vấn từng sản phẩm tín dụng, dịch vụ để khách hàng nắm bắt rõ hơn kế hoạch tài chính, hiệu quả đầu tư, kế hoạch kinh doanh. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục giảm phí thanh toán, giảm lãi suất vay và đặc biệt nhất dành nhiều gói tín dụng mới như 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng DN lớn, 20.000 tỷ đồng dành cho DN FDI; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi 6%-9%/năm… nhằm hỗ trợ tất cả khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Linh nói.

Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Ngân hàng HDBank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong thời điểm dịch bệnh nhiều DN còn hạn mức tín dụng chưa sử dụng đến do tâm lý lo ngại. Nhưng hiện nay, để khuyến khích nhu cầu nhận nợ, ngân hàng đã triển khai thông qua các giải pháp hỗ trợ dành cho khách hàng, đồng thời theo sát diễn tiến dịch bệnh. Trong đó, HDBank sẽ tự động giảm sâu lãi suất vay từ 2% đến 4,5%/năm cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn gặp phải. Đồng thời ngân hàng miễn phí cam kết vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng… “Việc tập trung mọi nguồn lực, giảm mạnh lãi suất cho vay, nỗ lực hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn chính là lời khẳng định cho phương châm vì lợi ích cao nhất cho khách hàng mà HDbank đang thực hiện”, bà Thủy nói.

Kiểm soát chặt rủi ro

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN do UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho DN ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như phục hồi sau dịch bệnh, song không thể hạ chuẩn tín dụng. Việc hỗ trợ vốn cho DN và bảo đảm chuẩn tín dụng phải được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho DN và người dân.

Chia sẻ rõ hơn quan điểm trên, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho rằng, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hậu quả nợ xấu trong tương lai, bởi ngân hàng đang huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. “Điều này lý giải vì sao một số DN có phương án kinh doanh chưa bảo đảm, không có vốn tự có hoặc đã thế chấp hết tại ngân hàng, nguồn trả nợ chưa khả thi… chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”, ông Quang bày tỏ.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên