Ngành thủy sản: Cần triển khai nhanh mô hình liên kết “hai nhà”

Cập nhật: 14-05-2010 | 00:00:00

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho biết, năm 2010 bộ sẽ quyết liệt chấn chỉnh ngành thủy sản từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Trước mắt sẽ nhanh chóng triển khai thí điểm mô hình liên kết “hai nhà” để nhân rộng. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác với nhà nhập khẩu nước ngoài để kiểm soát chặt về sản lượng và chất lượng thủy sản. Bộ yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra liên tục những nhà máy chế biến kém chất lượng và mạnh dạn đình chỉ xuất khẩu những doanh nghiệp gian dối.

 

Theo Bộ NN-PTNT, tình hình xuất khẩu thủy sản đang khởi sắc, chỉ riêng tháng 4-2010 các doanh nghiệp xuất khẩu được trên 350 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm được lên mức 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 17,4% so cùng kỳ. Xuất khẩu tăng là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên...

 

Bấp bênh giá cả, sản lượng

 

Bộ NN-PTNT cho biết, Festival thủy sản Việt Nam lần thứ nhất vừa diễn ra ở Cần Thơ đã tạo sinh khí mới cho ngành thủy sản. Bên cạnh quảng bá, giới thiệu về thế mạnh và tiềm năng thủy sản, nhiều doanh nghiệp còn gặp gỡ đối tác để ký kết các hợp đồng lớn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức festival và khẳng định thủy sản là một trong những lợi thế của Việt Nam, đồng thời là ngành xuất khẩu mũi nhọn mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, song hành cùng Festival thủy sản ở nước ta, vào cuối tháng 4-2010 Hội chợ quốc tế thủy sản Brussels (Bỉ) diễn ra đã mở ra nhiều triển vọng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiêu thụ sản phẩm.

 

Trong lúc xuất khẩu đang phục hồi, người nuôi thủy sản lại lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tại ĐBSCL giá tôm sú duy trì ở mức cao từ 140.000-180.000 đồng/kg nhưng người nuôi không còn tôm để bán, trong khi hàng loạt diện tích thả mới ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An… thiệt hại nặng do thời tiết nắng nóng kéo dài. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, bức xúc vì giá cá tra lại sụt giảm một cách bất ngờ, hiện chỉ còn 15.500 đồng/kg. Ngược lại, giá thức ăn tăng vọt đẩy giá thành sản xuất cá lên từ 16.000-16.500 đồng/kg, khiến người nuôi bị lỗ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, hàng loạt hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL “ngã ngựa”.

 

Mô hình liên kết - bao giờ?

 

Tại Festival thủy sản Việt Nam lần thứ 1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương nhấn mạnh, cần triển khai nhanh mô hình “liên kết”, bởi chỉ có liên kết mới là hướng để phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo đó, Bộ NN-PTNT đề xuất nếu chưa liên kết được “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà băng, nhà doanh nghiệp) thì nên liên kết “hai nhà” (người nuôi và doanh nghiệp); trong đó doanh nghiệp đứng ra làm “chủ xị”. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng: Nhà nước và nhà khoa học lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ để ngành thủy sản phát triển, vấn đề cốt yếu là làm sao kết hợp được “người nuôi và doanh nghiệp” cùng ngồi chung trên một chiếc thuyền. Thực tế cho thấy quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp lâu nay còn nhiều trục trặc. Đơn cử như lúc nguyên liệu được giá thì người nuôi bán ra bên ngoài với giá cao hơn (phá vỡ hợp đồng) để mong kiếm lời nhiều; lúc rớt giá thì doanh nghiệp thu mua chậm, mang tiếng “ép” dân.

 

Sở NN- PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết về cơ bản hầu hết người nuôi đều mong muốn hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, bởi khi sản phẩm được bảo hiểm đầu ra thì nông dân mới không còn lo ngại rủi ro. Tuy nhiên đến nay việc liên kết triển khai chưa rộng là do mâu thuẫn lợi ích các bên. Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở Thốt Nốt (Cần Thơ) phân tích: “Bình quân 1 vụ nuôi cá kéo dài đến  8 tháng, đa phần người nuôi thiếu vốn buộc hoặc vay ngân hàng hoặc vay nóng. Thế nhưng đến kỳ bán cá thì doanh nghiệp chỉ trả tiền 30%, còn lại 70% thiếu nợ từ 1- 2 tháng trở lên. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã lợi dụng để chiếm dụng vốn. Người nuôi dù lỗ nhưng vẫn bán, bởi không còn cách nào khác”.

 

Những hạn chế, tồn tại ai cũng biết; cơ chế, chính sách và cả đề án quy hoạch phát triển ngành cũng đã có. Vấn đề là chúng ta cần làm ngay chứ không thể nói xong “rồi bỏ”, cuối cùng không đi đến đâu. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp bức xúc: Cách nay vài năm các ngành chức năng “đổ thừa” cho phát triển “nóng” nên không kiểm soát được tình hình. Nay nghề cá đang “rất lạnh”, diện tích bỏ hoang, treo ao hầm ở ĐBSCL từ 30% - 50% thì chúng ta không thể đổ lỗi mãi được. Vấn đề là nên vào cuộc bằng trách nhiệm cao mới mong tạo ra hướng đi mới ngành thủy sản.

 

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên