Ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương: 66 năm một chặng đường

Cập nhật: 08-05-2015 | 08:43:53

Bài 1: Sứ mệnh lịch sử

Trong suốt quá trình kể từ khi thành lập, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, với những tháng năm cực kỳ gian khổ và ác liệt, đối đầu với những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù, mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật thiếu thuốc điều trị… nhưng người cán bộ làm công tác tuyên huấn Thủ Dầu Một luôn nêu cao tinh thần cách mạng, chấp nhận hy sinh, vượt qua tất cả, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi cuối cùng, góp phần đem hòa bình, tự do về cho quê hương, đất nước.

Các đại biểu từng tham gia công tác tuyên huấn qua các thời kỳ gặp lại nhau trong dịp họp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một, năm 2014

Đầu năm 1949, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh bình định ở Thủ Dầu Một, phát triển mạnh hệ thống đồn bót, tháp canh, càn quét vào vùng căn cứ, du kích, đi đôi với đánh phá bao vây kinh tế kháng chiến. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ngày càng cam go, quyết liệt. Dựa vào tình hình của Đảng bộ các tỉnh lúc bấy giờ và yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng, cuối tháng 4-1949, Xứ ủy Nam bộ ra chỉ thị cho các tỉnh chọn cán bộ để thành lập các ban chuyên môn của Tỉnh ủy, gồm: Ban Văn thư, Ban Tài chính và Ban Tuyên huấn. Ngày 10- 5-1949, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ký quyết định thành lập Ban Tuyên huấn do đồng chí Tiêu Như Thủy làm Trưởng ban. Cả Ban Tuyên huấn lúc này chỉ có 2 người, cơ sở vật chất cho hoạt động vô cùng thiếu thốn.

Mới được thành lập, cán bộ được phân công phụ trách công tác này còn rất bỡ ngỡ. Tất cả đều hiểu rất đơn giản về ngành là công tác tuyên truyền về Đảng, về mục đích và thành tích hoạt động, vai trò lãnh đạo của Đảng trong nội bộ Đảng và rộng rãi ngoài quần chúng. Sau khi thành lập, tài liệu để học tập rất ít. Ngoài ra, tỉnh không nhận được một chỉ thị hay thông tri nào của Xứ ủy giải thích kỹ càng chức năng, nhiệm vụ của ngành và hướng dẫn những công tác cụ thể mà ngành phải thực hiện trong thời kỳ này. Do đó, những cán bộ đầu tiên được Đảng phân công làm công tác tuyên huấn nhiệt tình thì có đủ, song kiến thức công tác chuyên môn còn rất chập chững nên vừa làm, vừa học rồi trưởng thành dần theo năm tháng kháng chiến, nhất là qua các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh Đảng bộ, có cấp ủy cấp trên chỉ đạo.

Ngày 10-5-1949, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Nam kỳ đã thành lập các ban gồm: Ban Văn thư, Ban Tài chính và Ban Tuyên huấn trực thuộc cấp ủy. Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về vật chất, phương tiện, lại phải đối phó với địch nhưng ngành Tuyên huấn của tỉnh ngay từ khi ra đời đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, góp phần động viên tư tưởng, tinh thần quân dân địa phương trong suốt thời kỳ kháng chiến. Với yêu cầu phải tập trung biên soạn cho được một tài liệu học tập có tính phổ thông song vẫn bảo đảm được một số kiến thức cơ bản, tối thiểu về cách mạng, về Đảng cho tất cả cán bộ, đảng viên trong tỉnh, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã nỗ lực cho ra đời một bộ tài liệu học tập bước đầu đáp ứng yêu cầu cấp trên giao. Sau khi hoàn thành biên soạn bộ tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh, Ban Tuyên huấn tiếp tục chỉ đạo việc học tập tại chức; mặt khác mở trường chính trị đào tạo cho 300 cán bộ chủ chốt, 50 cán bộ sơ cấp ở tỉnh, huyện; đồng thời tiến hành song song với chiến dịch tuyên truyền về lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

 

Trong thời gian ngắn ban đầu sau khi được thành lập, vượt qua các gian khó thiếu thốn nhiều mặt, ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một đã tích cực xây dựng các kế hoạch hoạt động và hoàn thành được nhiệm vụ chuyên môn. Ngành vừa đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ đi đôi với việc không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác Đảng từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Những bản tin, tài liệu do Ban Tuyên huấn biên soạn trong thời kỳ đầu mới thành lập đã giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết thêm về tình hình thời cuộc. Những hoạt động tại cơ sở của ngành đã giúp nhân dân hiểu biết thêm về cuộc kháng chiến, về Đảng và Bác Hồ, tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa quần chúng với Đảng.

Từ khi hiện diện tại Thủ Dầu Một, thực dân Pháp thực hiện nhiều biện pháp thâm độc về chính trị, kinh tế, tâm lý, văn hóa, xã hội để giành thế chủ động trên chiến trường. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta với địch cũng trở nên quyết liệt hơn. Lúc này, do mới sát nhập từ tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên, việc đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian này được quan tâm trước tiên. Vì vậy, công tác tư tưởng của tỉnh lúc này tập trung vào các vấn đề củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng; giữ vững niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.

Trong thời kỳ này, đội ngũ làm công tác tuyên huấn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối và biến đường lối ấy thành phong trào kháng chiến với tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do. Công tác tuyên huấn đã kiên trì, làm cho mỗi người đều hiểu được mục đích kháng chiến là cứu nước, cứu nhà, toàn dân phải đánh giặc, đánh giặc phải lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi; đồng thời phê phán, đẩy lùi những khuynh hướng lệch lạc, bi quan, ngại đánh lâu dài, ngại hy sinh gian khổ, chủ quan, khinh địch, thiếu cảnh giác, nôn nóng, muốn đánh nhanh, thắng nhanh, ỷ lại viện trợ bên ngoài. Công tác tuyên huấn trong thời kỳ này đã thường xuyên tố cáo những tội ác dã man của địch để nâng cao lòng căm thù, ý chí quyết tâm kháng chiến, không ngại hy sinh gian khổ, vạch rõ những thủ đoạn xảo quyệt của địch để đề cao cảnh giác. Qua đó, đã giáo dục chủ nghĩa yêu nước với tinh thần đoàn kết quốc tế, làm cho mọi người phân biệt được bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân lao động Pháp yêu chuộng hòa bình. Công tác tuyên truyền cổ động đã đi vào từng nhà, từng người, việc tuyên truyền đường lối kháng chiến đã cô đọng kịp thời, sắc bén cho việc hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể của kháng chiến từng thời kỳ, ở mọi nơi, mọi lúc. Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tuyên huấn đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, góp phần huy động sức mạnh của nhân dân tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Chính công tác tuyên huấn đã có tác dụng nâng cao lòng căm thù giặc, ý chí chống ngoại xâm, tinh thần không ngại hy sinh gian khổ của quân và dân Thủ Dầu Một, sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đối đầu với kẻ thù mới, trong suốt những năm tháng chiến đấu chống đế quốc Mỹ, trong từng giai đoạn, ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một đã chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng, gặt hái được nhiều thắng lợi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Tuyên huấn đã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, chống bắt những người kháng chiến cũ, chống bắt lính. Ban Tuyên huấn đã biên tập tin tức đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và một số địa phương khác ở Nam bộ kèm theo những bài bình luận ngắn vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hành động can thiệp của Mỹ và tập đoàn tay sai phản động bán nước. Với những công hiến về sức lực, trí tuệ, xương máu của cán bộ, ngành Tuyên huấn đã góp phần cùng với các lực lượng khác, cùng với nhân dân tỉnh nhà, nhân dân miền Nam đánh thắng được các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, động viên quân và dân toàn tỉnh “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng tỉnh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

Trong suốt thời gian kể từ khi thành lập, qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, mặc dù phải trải qua những tháng năm cực kỳ gian khổ và ác liệt, đối đầu với những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù, dưới mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật thiếu thuốc điều trị nhưng người cán bộ làm công tác tuyên huấn Thủ Dầu Một luôn nêu cao tinh thần cách mạng, chấp nhận hy sinh, vượt qua tất cả, cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi cuối cùng, góp phần đem lại hòa bình, tự do về cho quê hương, đất nước.

Bài 2: Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp

 

CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên