Ngành y tế: Chủ động phòng chống cúm A(H1N1)

Cập nhật: 30-06-2018 | 11:11:56

 Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H1N1) gây nên. Sau khi thông tin về những ca bệnh cúm A(H1N1) xuất hiện ở TP.HCM, Sở Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống, theo dõi giám sát để có hướng xử lý kịp thời. Để chủ động phòng chống, các bác sĩ khuyến cáo, người dân chỉ cần sử dụng các biện pháp giống như đối với cúm mùa thông thường là có thể phòng được cúm A(H1N1).

 Người dân có thể tiêm vắc xin để phòng bệnh

Tăng cường phòng chống

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, Bình Dương là tỉnh có sự chủ động cao trong công tác phòng chống cúm A(H1N1). “Qua thông tin của báo chí về một số ca bệnh cúm A(H1N1) được ghi nhận tại TP.HCM, dù chưa có chỉ đạo cụ thể của Bộ Y tế, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường phòng chống cúm A(H1N1). Sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường hoạt động giám sát, xác minh ca bệnh báo cáo bệnh truyền nhiễm, tại đơn vị và tại cộng đồng để chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Củng cố các đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất để xử lý dịch kịp thời, triệt để. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, nhân sự, tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả người bệnh nhằm khống chế bệnh lây lan ra cộng đồng…”, bác sĩ Hà nói.

Cúm A(H1N1) là một trong những chủng cúm mùa, dễ dàng lây từ người sang người. Sau TP.HCM, cúm A(H1N1) đã được ghi nhận tại Bình Dương. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bình Dương đã ghi nhận 3 ca cúm A(H1N1). Thông tin ban đầu cho thấy, những người mắc cúm A(H1N1) là do đi khám bệnh ở TP.HCM nên bị lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các ca bệnh trên đến nay đã được điều trị khỏi và chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới.

Cách phòng ngừa đơn giản

Vi rút cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường thông qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1).

Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A(H1N1) người bệnh thường có các triệu chứng sốt, thường trên 38oC và ớn lạnh; đau viêm họng; nhức đầu; đau mình và nhức cơ; ho khan; sổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và nôn ói. Theo khuyến cáo của bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, để phòng chống cúm A(H1N1), mọi người cần sử dụng các biện pháp giống như đối với cúm mùa thông thường. Đó là rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm; mang khẩu trang khi tiếp xúc người bị cúm (tốt nhất là khẩu trang N95). Bên cạnh đó, cần ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Người dân có thể đi tiêm vắc xin để phòng bệnh (cúm A(H1N1) là một thành phần có trong vắc xin phòng bệnh cúm mùa). Đặc biệt, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Người dân không được tựýmua, uống thuốc dựphòng cúm (như Tamiflu), chỉsửdụng khi cóchỉđịnh của bác sĩđểtránh hiện tượng kháng thuốc. Bác sĩ Hà khẳng định, việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Biện pháp phòng bệnh khá đơn giản nên người dân cần chủ động thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế thì sẽ phòng bệnh được cho bản thân và gia đình. Cần chú ý sức khỏe đối với những người có sức đề kháng kém; người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường; người già, trẻ em và phụ nữ có thai để tránh cho họ trước những diễn biến xấu về sức khỏe khi mắc phải cúm A(H1N1).

 HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Cúm A

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên