Ngành y tế đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh do vi-rút corona

Cập nhật: 30-01-2020 | 07:53:38

 Bệnh viêm phổi cấp do vi-rút corona hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế cũng đã xây dựng kế hoạch và các phương án sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống. Để giúp bạn đọc nắm bắt tình hình và các giải pháp phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do vi-rút corona của ngành y tế, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh một số nội dung liên quan.

 - Dư luận hiện đang đặc biệt quan tâm đến tình hình bệnh viêm phổi cấp do vi-rút corona. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về đường lây truyền bệnh?

- Vi-rút corona mới thuộc nhóm vi-rút corona được tìm thấy ở chim, các động vật có vú và nhóm vi-rút này cũng chính là nguyên nhân gây ra đại dịch Sars lịch sử vào năm 2003. Vi-rút corona có thời gian ủ bệnh tối đa khoảng hai tuần. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp ở mức độ tiếp xúc gần (trong vòng khoảng 2m) nếu chúng ta hít phải dịch từ mũi họng của người bệnh được phát tán qua hắt hơi, ho. Vi-rút này có khả năng biến thể, thời gian ủ bệnh khá dài, lây qua môi trường không khí. Do đó, mức độ nguy cơ phát tán dịch bệnh cao, rộng và khó tránh khỏi nếu chúng ta không có các biện pháp phòng chống dịch tích cực, hiệu quả.

Vi-rút corona mới gây ra các triệu chứng như viêm phổi, sốt, ho và khó thở. Một số ít trường hợp có kèm theo chảy nước mũi, hắt hơi hoặc đau họng. Kể từ khi phát hiện các trường hợp nhiễm vi-rút corona mới từ cuối tháng 12- 2019 tại TP.Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đến 14 giờ ngày 29-1-2020 đã có 9.239 trường hợp nghi viêm phổi do vi-rút corona; trong đó có 6.061 trường hợp đã được xác định là mắc bệnh viêm phổi do vi-rút corona mới, 132 người đã tử vong.

Dịch viêm phổi do vi-rút corona mới đang có dấu hiệu phát tán khá nhanh giữa các nước trên thế giới, chủ yếu qua đường du lịch. Hiện bệnh đã xuất hiện tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nepal, Malaysia, Pháp, Mỹ, Úc, Macau, Canada, Campuchia, Đức. Tại Việt Nam, 2 ca ghi nhận đầu tiên vào ngày 23-1- 2020 là công dân đến từ TP.Vũ Hán, đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh. Sức khỏe của 2 người này hiện đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi trong phòng cách ly.

- Trước tình hình bệnh có thể phát tán vào Việt Nam, ngành y tế tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào nhằm chủ động phòng chống bệnh, thưa bác sĩ?

- Công tác chủ động phòng chống bệnh nói chung, đặc biệt là bệnh do vi-rút corona mới nói riêng, đang được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Hiện ngành y tế tỉnh đã xây dựng các phương án ứng phó, xử lý với các tình huống khác nhau như khi chưa có dịch, khi xảy ra dịch... Các kịch bản xử lý tình huống khi có dịch trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học và cộng đồng dân cư đều được ngành xây dựng cụ thể.

Song song đó, ngành cũng đã ra quyết định thành lập 2 đội chống dịch tuyến tỉnh, 9 đội tuyến huyện, thị, thành phố. Các đội chống dịch luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh cấp trên. Cùng với đó, ngành cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế; thiết lập hệ thống giám sát chủ động, bao gồm: Công tác báo cáo, thực hiện giám sát ca bệnh từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường, đặc biệt chú ý đến các trường hợp nhập viện do liên quan đến đi du lịch tại các nước đang xảy ra dịch, người có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Về công tác theo dõi điều trị, ngành cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị, các phòng điều trị cách ly theo bệnh truyền nhiễm nhóm A và luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

- Công tác chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong việc phòng, chống bệnh do vi-rút corona mới được ngành y tế thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

- Tính đến thời điểm này, ngành y tế tỉnh đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi-rút corona mới tới tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn bị sẵn sàng đội chống dịch, xây dựng phương án ứng phó các tình huống dịch. Tại cơ sở điều trị, ngành chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát và báo cáo kịp thời khi có ca bệnh.

- Đây là thời điểm nghỉ tết, do đó nhu cầu đi lại của người dân tăng rất cao. Để người dân biết cách phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ có khuyến cáo gì?

- Vi-rút corona mới hiện chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh phát tán nhanh nếu chúng ta không có ý thức phòng bệnh tốt. Vì vậy, mọi người cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Nếu có các triệu chứng ho, sốt... người bệnh nên tránh đi lại hoặc tránh đi du lịch nhằm hạn chế phát tán bệnh, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, khai báo lịch trình di chuyển với nhân viên y tế; sử dụng khẩu trang đúng cách, thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ra đường phố, khi tiếp xúc đám đông... Khẩu trang phải che kín mũi và miệng. Nếu sử dụng khẩu trang một lần, khi sử dụng xong cần loại bỏ ngay, cuộn tròn khẩu trang bỏ vào thùng rác và rửa tay bằng xà phòng. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu nghi ngờ bản thân bị bệnh.

Nếu cảm thấy có dấu hiệu bệnh khi đi lại hoặc trong lúc đi du lịch hãy thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc tài xế ô tô để được đưa đến cơ sở y tế gần nhất; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh và giữ vệ sinh cá nhân bằng cách tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt, ho (khoảng cách trên 2m), rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người dân cũng cần chú ý một số lưu ý khác, đó là thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi; không khạc nhổ nơi công cộng; không nên tiếp xúc quá gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

 HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên