NHẬT KÝ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 1975

Ngày 17-4-1975: Tiến công thị xã Phan Thiết, mặt trận Xuân Lộc đang tiếp diễn

Cập nhật: 17-04-2015 | 08:04:56

 Ngày 17-4-1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Điện số 58B/DK cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhiệm vụ đánh phá sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ có tác dụng rất lớn, làm tê liệt không quân địch và nhanh chóng làm giảm sút tinh thần và khả năng chiến đấu của chúng… Cần kiểm tra kế hoạch đánh phá sân bay Biên Hòa, chuẩn bị nhanh để triển khai hỏa lực đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Đối với sân bay Cần Thơ… nghiên cứu tăng cường hỏa lực… vì sân bay này ngày càng trở nên quan trọng đối với kế hoạch phòng thủ Sài Gòn cũng như kế hoạch di tản của Mỹ - ngụy”.

Các chiến sĩ thuộc d4, e20, Quân khu 9 tham gia đánh chiếm sân bay Trà Nóc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

V.H (tổng hợp)

 

Sau khi mất thị xã Phan Rang, quân địch càng thêm hoảng sợ trước sức tiến công mãnh liệt và thần tốc của cánh quân Duyên hải. Chúng dùng tàu chiến chở một đại đội biệt kích đổ lên quận Tuy Phong (bắc Phan Thiết), cho nhiều tốp máy bay ném bom và sử dụng pháo từ tàu biển bắn vào để ngăn chặn. Phân đội bộ binh và trinh sát của Sư đoàn 325 đi đầu đội hình đã tổ chức truy quét, diệt gọn đại đội biệt kích địch. Pháo mặt đất, pháo trên xe tăng, pháo cao xạ lập trận địa ngay trên đường số 1, bắn chìm và bắn cháy 4 tàu chiến, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F5, bắn cháy 1 chiếc khác.

Tại mặt trận Xuân Lộc, cùng thời gian này địch phản kích, chiến sự diễn ra ác liệt. Trung đoàn 4 và 33 thuộc Sư đoàn 6 quân khu kết hợp với Trung đoàn độc lập 95b tiêu diệt hoàn toàn Chiến đoàn 52 thuộc Sư 18 ngụy (3 tiểu đoàn), hỗ trợ đánh chiếm chi khu Kiệm Tân, giải phóng quốc lộ 20 từ Kiệm Tân đến ngã ba Dầu Giây. Ta tiếp tục chặn đánh Chiến đoàn 8 và Thiết đoàn 315 ngụy ở Hưng Lộc, bắn cháy hàng chục xe tăng. Các mũi phản kích của địch từ hướng Trảng Bom lên thị xã Long Khánh hoàn toàn bị bẻ gãy.

Tình hình ở miền Nam lúc này tác động trực tiếp đến tình hình Campuchia, góp phần thúc đẩy sự sụp để của Lon Nol. Ngày 17- 4, quân cách mạng Campuchia giải phóng Phnôm Pênh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Campuchia. Nhìn lại từ Phnôm Pênh cho đến Sài Gòn, Tổng trưởng Quốc phòng Sài Gòn Trần Văn Đôn cho rằng: “Sự sống còn của Sài Gòn chỉ còn có thể tính từng ngày, từng tuần, mà không tính từng tháng”.

Các cán bộ tình báo, binh vận, trí vận… qua bao năm tháng mai phục trong lòng “thủ đô” chế độ Sài Gòn đã góp phần tạo được sự gần gũi ở nhiều mức độ khác nhau với giới nhân sĩ, trí thức, lực lượng thứ ba, dân biểu đối lập với chính quyền Sài Gòn... nằm trong các thành phần của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ có thể khác nhau về xu hướng chính trị, nhưng có cùng một chí hướng hòa bình, độc lập, đòi chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung cũng như trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, công tác binh vận đã phát huy đến mức cao nhất truyền thống nhân nghĩa cao cả của dân tộc Việt Nam. “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” là truyền thống của ông cha ta đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo và phát huy rất hiệu quả trong hoạt động công tác binh vận. Sự sáng tạo đó được thể hiện bằng đường lối, chủ trương, chính sách rõ ràng, cụ thể. Những chủ trương, đường lối đó lại được vận dụng trong thực tế hết sức phong phú trên cơ sở nắm vững đặc điểm từng đối tượng tác chiến vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Do đó, công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Nam nói chung, cũng như trên chiến trường Thủ Dầu Một - Bình Dương đã khơi dậy và làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, từng bước làm cho họ hiểu được đâu là chính nghĩa và hướng họ hành động cách mạng, hoặc trở về với nhân dân, trở về với chính nghĩa.

Do nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của các công tác binh - địch tề vận trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt nên các cấp ủy ở Bình Dương từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo và luôn khẳng định công tác binh, địch vận là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và phải kết hợp chặt chẽ với các hoạt động đấu tranh chính trị và hoạt động vũ trang trong quá trình đấu tranh cách mạng.

Công tác binh vận tuy có những bộ phận với những nhiệm vụ chuyên môn riêng, nhưng khi hoạt động có sự kết hợp rất chặt chẽ với các đoàn thể, quân sự, công an... từ tỉnh đến xã, ấp tạo thành sức mạnh tổng hợp trong từng trận đánh, từng chiến dịch. Ở Thủ Dầu Một, không ít những cơ sở binh vận trong nhân dân, nhiều mẹ nhiều chị một mình đảm nhận nhiều nhiệm vụ, vừa là cơ sở hậu cần, mẹ chiến sĩ, vừa là cơ sở chính trị và cơ sở binh vận. Thông qua cán bộ binh vận và cơ sở binh vận nhân dân, nhiều gia đình binh sĩ được tuyên truyền giáo dục để vận động người thân bỏ ngũ trở về với gia đình, có số bỏ ngũ tham gia cách mạng, trong đó có những người trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều thành tích khác.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 cũng là đỉnh cao sự thắng lợi của công tác binh vận trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Sự tan rã hàng loạt ngụy quân, ngụy quyền đã làm cho trận chiến đấu cuối cùng giảm bớt đổ xương máu và bảo toàn được nhiều cơ sở vật chất, đó cũng là một phần thắng lợi của công tác binh vận. (Còn tiếp)

 HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên