Ngày 22-4-1975: Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh nắm vững thời cơ mở cuộc tiến công quân sự và chính trị vào Sài Gòn

Cập nhật: 22-04-2015 | 08:10:44

 Ngày 22-4-1975: giải phóng thị xã Hàm Tân

Tại thị xã Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, quân địch sau khi rút chạy bằng tàu, thuyền ra biển tưởng lực lượng ta tiến về phía nam nên quay lại chiếm giữ thị xã. Ngày 22-4-1975, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 được tăng cường Tiểu đoàn 5 thiết giáp, một tiểu đoàn pháo 105, một đại đội pháo cao xạ và Ðại đội 9, Trung đoàn 128, Sư đoàn 325 cùng các lực lượng địa phương tiến công giải phóng thị xã Hàm Tân, tiêu diệt và làm tan rã gần 5.000 tên địch đang co cụm trong thị xã.

 

 Tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh của Sở Chỉ huy chiến dịch. Dưới góc tấm bản đồ có chữ ký của Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh

Cũng tại Bình Tuy, ngày 22-4, Trung đoàn 812 cùng các lực lượng phối hợp nhanh chóng đánh chiếm khu vực Láng Gòn. Ðại đội địa phương 88 dùng cối 60 ly bắn phá kho đạn ở Ðộng Ðền. Quân địch ở thị xã La Gi hoàn toàn bị tan vỡ, tháo chạy ra cửa biển Tân Lý.

V.H (tổng hợp)

 

 Ngay sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp vào ngày 22-4-1975 đánh giá tình hình và kế hoạch tác chiến của ta, đồng chí Lê Duẩn đã điện ngay những nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị vào cho Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị chỉ rõ: Thời cơ mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…

Phương án thực hành chiến dịch Hồ Chí Minh cơ bản như Bộ Tư lệnh Miền đã đề nghị trước đó, nhưng được Bộ Chỉ huy chiến dịch hoàn chỉnh hơn về nghệ thuật chiến dịch với việc sử dụng lực lượng áp đảo và các mũi đột kích thọc sâu.

Trước hết, các đơn vị thực hiện bao vây chia cắt chặn giữ quân địch tại chỗ không cho địch co cụm về Sài Gòn, về đồng bằng sông Cửu Long và ra biển, tiêu diệt và làm tan rã các đơn vị chủ lực địch ở vùng ngoài, chiếm các bàn đạp để đưa các đơn vị đột kích tiến nhanh vào nội đô; nhưng không đánh theo kiểu bóc vỏ từ ngoài vào mà bỏ qua các cụm cứ điểm mạnh của địch ở Tây Ninh, Lai Khê, Phước Vĩnh, đánh thẳng vào các căn cứ tuyến hai hoặc vào ngoại ô là nơi địch phòng thủ yếu hơn; chỉ đánh vào cụm cứ điểm mạnh của địch khi thật cần thiết. Bộ đội địa phương, đặc công, biệt động nhanh chóng đánh chiếm các đầu cầu, các bàn đạp then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích từ các hướng đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội đô...

Trước ngày 26-4-1975, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Miền, lực lượng vũ trang Quân khu 8 và Quân khu 9 đã có sự chuẩn bị cả về lực lượng và thế trận.

Về lực lượng, Quân khu 9 gấp rút bổ sung thêm 8.868 tân binh, xây dựng thêm 9 tiểu đoàn, nâng tổng số đơn vị bộ đội địa phương các tỉnh lên 23 tiểu đoàn. Tỉnh cao nhất có đến 5 tiểu đoàn (Cà Mau, Trà Vinh). Nâng 10 đại đội bộ đội địa phương huyện thành 10 tiểu đoàn, tổ chức thêm 60 đại đội bộ đội địa phương huyện, 330 đại đội du kích xã.

Quân khu 8 bổ sung thêm 5.140 tân binh, thành lập thêm 7 tiểu đoàn, 36 đại đội, 150 trung đội bộ đội địa phương, nâng quân số các tiểu đoàn từ 150 lên 250 người. Hàng trăm ngàn quần chúng được tổ chức sẵn sàng tham gia dân công phục vụ chiến đấu và nổi dậy giải phóng quê hương. Các địa phương đều đã xây dựng xong kế hoạch tiến công và nổi dậy ở địa phương. Bộ Tư lệnh các quân khu trực tiếp thông qua kế hoạch tiến công và nổi dậy ở các thành phố và thị xã lớn.

Trước ngày 26-4, chủ lực các quân khu đã triển khai bước một kế hoạch tiến công giải phóng các thành phố, thị xã, căng kềm các đơn vị chủ lực ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp với mặt trận chính và hỗ trợ các địa phương tiến công và nổi dậy, sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn lộ 4 không cho địch co cụm về đồng bằng sông Cửu Long hoặc cứu nguy cho Sài Gòn. Lực lượng vũ trang các địa phương đều áp sát các thị xã, thị trấn, thị tứ, đường giao thông, sẵn sàng tiến công hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy.

Với thế trận và lực lượng trên, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có khả năng thực hiện tiến công và nổi dậy tự giải phóng bằng lực lượng của chính mình. Tuy vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn có phương án điều động một bộ phận chủ lực xuống đồng bằng sông Cửu Long nếu sau khi giải phóng xong Sài Gòn mà đồng bằng chưa giải quyết xong.

Lúc này, ở đồng bằng sông Cửu Long, quân ngụy chưa bị tổn thất nặng như các quân khu khác, còn giữ được 3 sư đoàn chủ lực, các đơn vị biệt động quân và địa phương quân. Dựa vào lực lượng này, tư lệnh quân khu 4 ngụy Nguyễn Khoa Nam họp với các tỉnh trưởng hạ quyết tâm “tử thủ” đến cùng.

Trước tình hình lực lượng địch còn đông, những tên cầm đầu tỏ ra ngoan cố, Bộ Tư lệnh Miền chấp thuận đề nghị của Quân khu 8 và Quân khu 9 được thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy chậm hơn chiến dịch Hồ Chí Minh từ 1 đến 2 ngày, tốt nhất vào thời điểm các quân đoàn bắt đầu cuộc tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, ngụy quân, ngụy quyền không còn khả năng kháng cự, nhằm giảm thiểu tổn thất. Bộ Tư lệnh cũng thông qua phương án thực hiện hai mũi tiến công và nổi dậy cùng lúc. Sử dụng lực lượng vũ trang tiến công mạnh mẽ, tiêu diệt các đơn vị địch ngăn chặn ở vùng ven các thành phố, thị xã, thu hút phần lớn lực lượng quân ngụy về các khu vực này để tạo điều kiện cho tự vệ mật và nhân dân nổi dậy trong nội đô chiếm các mục tiêu trọng yếu, dùng sức mạnh của quần chúng buộc địch phải nhanh chóng đầu hàng.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, cuộc tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra sôi nổi, nhanh gọn, giành thắng lợi hoàn toàn đúng như kế hoạch. (Còn tiếp)

 HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên