Ngày 23-4-1975: Tỉnh Bình Tuy hoàn toàn giải phóng

Cập nhật: 23-04-2015 | 08:22:55

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận chia làm hai tỉnh là Bình Thuận và Bình Tuy. Trưa ngày 18-4-1975, cánh quân Duyên Hải tiến công làm chủ các quận Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa, áp sát thị xã Phan Thiết. Trung đoàn 812 (Quân khu 6) phối hợp với Trung đoàn 18 (Quân đoàn 2) đột phá phòng tuyến sông Cái, phát triển vào bên trong thị xã, đánh chiếm Ty Cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng Bình Thuận.

 

 Nhân dân mít tinh tại sân vận động chào mừng thị xã Phan Thiết được giải phóng (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu

Đến 22 giờ, quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Thiết. Các địa phương còn lại của Bình Thuận tiếp tục được giải phóng ngay sau đó. Sau khi Bình Thuận được giải phóng ngày 19-4, từ đêm 22-4-1975, quân ta tiếp tục đánh chiếm khu vực Láng Gòn. Quân địch ở thị xã Hàm Tân hoàn toàn tan vỡ, xô nhau tháo chạy ra cửa biển Tân Lý. Sau những thắng lợi của bộ đội chủ lực và các lực lượng phối hợp, đến ngày 23-4- 1975, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng. Các chiến sĩ Sư đoàn 304 nhanh chóng củng cố đội hình hành quân thần tốc cùng Quân đoàn 2, nhằm hướng Sài Gòn áp sát vào các vị trí đã được Bộ chỉ huy chiến dịch tổng công kích và nổi dậy phân công.

Với thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc, đột phá mở đường vào phía Nam, tiến công tiêu diệt địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, các lực lượng vũ trang của ta đã góp phần quan trọng làm thất bại biện pháp phòng ngự từ xa của địch ở hướng đông bắc Sài Gòn.

Ngày 23-4-1975, Mỹ tuyên bố chiến tranh kết thúc, không thể giúp Chính phủ Nam Việt Nam. Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sải Gòn và đến ngày 23-4, Mỹ tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”. Trong chính trường của chế độ ngụy quyền, ngày 20- 4-1975, Chính phủ Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức, hy vọng có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua gói viện trợ khẩn cấp để cứu nguy chính quyền Sài Gòn, vì Thiệu lâu nay tuy được lòng Chính phủ Mỹ, nhưng không được lòng nhiều người trong Quốc hội Mỹ. Vì thế, ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống của Chính phủ ngụy. Trần Văn Hương vừa lên thay Nguyễn Văn Thiệu làm “Tổng thống” được mấy hôm đã phải tuyên bố nhường chức cho Dương Văn Minh. Ngày 23-4-1975, dù Thiệu đã từ chức nhưng vẫn không có sự đổi ý từ Quốc hội, Chính phủ Mỹ đành tuyên bố chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, đến ngày 24-4-1975 Mỹ vẫn cố vớt vát, đề nghị xin ngưng bắn...

Ngày 23-4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình đơn vị với Bộ Tư lệnh mặt trận và nhận nhiệm vụ chiến đấu cụ thể của quân đoàn. Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 triệu tập các cán bộ cơ quan và các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn về Sở chỉ huy tại ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, tỉnh Long Khánh để nhận nhiệm vụ chiến dịch của các đơn vị.

Chiều cùng ngày, Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 họp nêu quyết tâm chiến dịch cho các đơn vị trong quân đoàn. Cùng ngày, các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 là Sư đoàn 10, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn 234 phòng không và Sư đoàn 7 bộ binh đến vị trí tập kết tại huyện Dầu Tiếng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ ngày 21 đến 23-4, các đơn vị binh khí kỹ thuật của Quân đoàn 3 hoàn thành vượt sông Sài Gòn, bí mật tiến vào các vị trí tập kết phía bờ tây.

Ngày 23-4, Bộ Quốc phòng quyết định giao cho Tổng cục Kỹ thuật tiếp quản căn cứ Cam Ranh để tổ chức thành căn cứ liên hợp bảo đảm kỹ thuật và hậu cần khu vực trực thuộc tổng cục.

Trong thời gian này, để phục vụ các cánh quân chủ lực cùng binh khí kỹ thuật vào vị trí tập kết và chuẩn bị chiến đấu, bộ đội xăng dầu cũng nhanh chóng triển khai các cơ sở bảo đảm cho bộ đội bước vào chiến đấu. Do cơ động từ xa tới, lượng tiêu thụ xăng dầu của riêng các quân đoàn chủ lực đã tới 11.000 tấn, nhưng nhờ bổ sung kịp thời của lực lượng xăng dầu chiến lược nên tổng số xăng dầu dự trữ của các quân đoàn vẫn đạt 9.000 tấn. Phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, lượng vật chất tiêu thụ của giai đoạn chuẩn bị (3.717 tấn) nhiều hơn hẳn giai đoạn thực hành chiến dịch (1.826 tấn). Bộ đội xăng dầu đã tổ chức tốt việc tiếp quản các cơ sở xăng dầu chiến lợi phẩm với hệ thống kho tàng có sức chứa 253.469 tấn, tận thu được 121.228 tấn xăng dầu các loại.

Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc tan rã, mặt trận hướng đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. Ở phía tây Sài Gòn, ta đã mở thông hành lang tới Tây Ninh và Kiến Tường, làm chủ một phần rộng lớn thuộc khu vực sông Vàm Cỏ Tây.

Cùng lúc này, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình đơn vị với Bộ Tư lệnh mặt trận và nhận nhiệm vụ chiến đấu cụ thể của quân đoàn. Các Quân đoàn 2, 3, 4 của ta cũng triệu tập các cuộc họp nêu quyết tâm chiến dịch cho các đơn vị trong quân đoàn. Thời cơ giải phóng Sài Gòn đã đến gần. Diễn biến dồn dập ấy diễn ra cùng lúc với 5 cánh quân gồm 270.000 bộ đội chủ lực và 180.000 người khác phục vụ chiến dịch đang từng bước chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công vào Sài Gòn.

Theo nhận định của đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam), 5 cánh quân hình thành 5 hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân địch với một quyết tâm và nỗ lực rất cao, trong đó kết quả tác chiến của đơn vị này đã mở ra điều kiện thuận lợi cho đơn vị kia. Trưa 30-4-1975, xe tăng ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất sau 21 năm chia cắt. (Còn tiếp)

 V.H (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên