Ngày Pháp luật - ngày tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người

Cập nhật: 08-11-2014 | 08:47:37

Theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật). Năm 2014 là năm thứ hai Ngày Pháp luật được tổ chức trong cả nước. Phóng viên báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp về ý nghĩa của ngày này cũng như hoạt động của Ngày Phá p luật tại Bình Dương.

 Bà Nguyễn Anh Hoa

  - Bà có thể cho biết về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật?

- Thời gian gần đây, cụm từ “Ngày Pháp luật” đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9-11) được quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (9-11 là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp 1946 được thông qua).

Hiến pháp, pháp luật có vai trò rất quan trọng trong xã hội, đặc biệt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp, pháp luật luôn phải được thượng tôn, tôn vinh, tôn trọng. Thêm đó, khẩu hiệu “Sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” đã ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều thể chế được ban hành, nhiều giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai, tuy nhiên, kết quả thực tế cũng còn hạn chế. “Ngày Pháp luật” ra đời và được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh và đề cao Hiến pháp, pháp luật, nhắc nhở, giáo dục mọi người ý thức thượng tôn pháp luật. “Ngày Pháp luật” còn là một mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần đẩy mạnh hơn công tác này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Hoạt động “Ngày Pháp luật” là dịp tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; mọi tổ chức, cá nhân tập trung hơn cho việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Có thể nói, sau hơn một năm triển khai, “Ngày Pháp luật” đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào pháp luật; tiến tới mỗi người đều có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

- Xin bà cho biết hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào?

- Thời gian qua, công tác này trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt. Các ngành, các cấp ở địa phương tham gia tích cực hơn vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; hình thức, cách thức phong phú, đa dạng. Từ đó góp phần đưa nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động Ngày Pháp luật đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, tác động tích cực đến xã hội, tạo bước phát triển mới cho công tác phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật nói riêng và về Hiến pháp, pháp luật nói chung.

Hội thi cán bộ Tư pháp - Hộ tịch giỏi được Sở Tư pháp tổ chức mới đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật

- Năm nay là năm thứ hai thực hiện “Ngày Pháp luật”, xin bà cho biết một số chuẩn bị của địa phương cho việc triển khai hoạt động này?

- Hoạt động “Ngày Pháp luật” năm 2014 được các cấp các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực; được triển khai nghiêm túc, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở. Nổi bật như: TX.Dĩ An; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Hội Nông dân; Đoàn Luật sư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... và nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức hoạt động Ngày Pháp luật với các hoạt động thiết thực.

 Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, “Ngày Pháp luật ” được tổ chức sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với hình thức, nội dung phù hợp, thiết thực. UBND các huyện, thị, thành phố đều đã ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật”.

Năm 2014 là năm đầu triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, vì vậy, chủ đề “Ngày Pháp luật” năm 2014 được gắn với Hiến pháp. Hoạt động “Ngày Pháp luật” được tổ chức sâu rộng từ 1-10 đến 30-11-2014, cao điểm từ ngày 3 đến ngày 9-11 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

- Điểm mới trong hoạt động “Ngày Pháp luật” ở Bình Dương năm 2014 là gì?

- Cùng với những nội dung, hình thức triển khai thống nhất theo hướng dẫn của Trung ương, hoạt động “Ngày Pháp luật” ở tỉnh Bình Dương có một số điểm mới như: Về chủ đề: Bên cạnh chủ đề về Hiến pháp, từ tình hình thực tiễn địa phương, Bình Dương quyết định chọn thêm hai chủ đề là: Bảo vệ môi trường và An toàn giao thông. Về hình thức: Không chỉ chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật, địa phương còn có những hoạt động thiết thực như: Tổ chức ra quân thu gom rác, làm sạch môi trường; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Điểm nhấn là lễmít-tinh được tổ chức vào sáng 8-11 tại Trung tâm Hành chính TX.Dĩ An. Trong buổi lễsẽ tặng sách Hiến pháp và một số sách pháp luật khác cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, tủ sách các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Cũng tại lễmít-tinh, UBND tỉnh sẽ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” trên phạm vi toàn tỉnh. Theo kế hoạch của tỉnh, sẽ tổ chức chấm thi, trao giải ở cấp huyện, cấp tỉnh, sau đó chọn gửi các bài xuất sắc dự thi ở cấp Trung ương.

- Xin cám ơn bà!

 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, vừa qua, UBND đã ban hành Chỉ thị 06/2014/CT-UBND ngày 3-10-2014 về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó, nhấn mạnh công tác này là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời đề ra một số giải pháp như: Đưa việc chấp hành pháp luật là một trong những tiêu chí xem xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cán bộ công chức, viên chức; đổi mới hình thức tuyên truyền, tìm tòi mô hình mới, ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật. Yêu cầu đổi mới nội dung tuyên truyền phổ biến theo hướng chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp đối tượng được tuyên truyền; không chỉ phổ biến quy định pháp luật, kiến thức pháp luật, mà còn thông tin về lợi ích của việc chấp hành pháp luật; hậu quả của việc không chấp hành pháp luật; tăng cường, nhân rộng biểu dương gương người tốt việc tốt; tăng cường tuyên truyền pháp luật trên báo, đài…

(Bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp)

 

 XUÂN LẠC (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên